Review phim The Lighthouse – Gói ghém thần thoại và biểu tượng hình ảnh những con mòng biển

[Dịch từ bài viết của Vinnie Mancuso trên Collider]

*Cảnh báo: Bài viết có spoil. Không đọc khi chưa xem phim.

Tương tự THE VVITCH – tác phẩm đầu tay ra mắt năm 2015 về Vùng đất Tân Anh (New England), đạo diễn Robert Eggers kết thúc THE LIGHTHOUSE bằng 1 cảnh quay có phần bộc trực, đồng thời cũng bí ẩn và ghê rợn. Việc nhìn nhận kết phim theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, hoặc đồng thời cả hai – tùy thuộc bạn tin vào thần thoại và ma thuật đến đâu. Mỗi giây của THE LIGHTHOUSE nặng trĩu những biểu tượng, một câu chuyện về 2 người đàn ông đang điên cuồng vật lộn với danh tính thực, thời gian thực và chính bản thân họ bên trong một cây trụ dương vật khổng lồ (a giant phallus). Xem xong phim, hẳn nhiều người sẽ thắc mắc một lời giải đáp cụ thể cho thứ bí ẩn mà 2 người đàn ông đã nhìn thấy bên trong lồng ánh sáng của ngọn hải đăng – thứ đã giết chết chàng trai trẻ Ephraim Winslow (do Robert Pattinson thủ vai)? Ở đây, ta đã nắm bắt được thứ gì đó gần với câu trả lời, nhưng THE LIGHTHOUSE ngầm cảnh báo rằng câu trả lời có thể (rất) nguy hiểm cho chính người xem.

Trong một bài phỏng vấn với VOX, Eggers tiết lộ: “Tối qua tại buổi công chiếu thử, có người đã hỏi tôi tại sao lại không có cảnh quay về thứ mà Winslow [Robert Pattinson] trông thấy ở cuối phim?’. Tôi đã trả lời rằng: ‘Không có cảnh đó, bởi nếu bạn trực tiếp nhìn thấy thứ đó, số phận tương tự sẽ xảy đến với bạn’”.

Thật là một câu trả lời gây tò mò không kém! Để có thể giải mã đoạn kết, đầu tiên chúng ta hãy rà soát lại những gì đã xảy ra trong phim:

2 người đàn ông canh giữ hải đăng gồm Ephraim (Pattinson)Thomas (Willem Dafoe) đi tới 1 hòn đảo/khối đá nằm tách biệt giữa biển khơi để nhận nhiệm vụ trông coi ngọn hải đăng. Ca trực của họ dự kiến kéo dài 4 tuần. Thomas là người đàn ông già độ trên dưới 55 tuổi với một bên chân giả (bạn có thể thấy hình ảnh ông ta vừa chạy khập khiễng vừa cầm chiếc rìu), trong khi trai trẻ Ephraim là ‘lính mới’ được cử lên hòn đảo thay thế cho 1 người tiền nhiệm đã phát điên không rõ nguyên nhân. Thomas liên tục có thái độ kẻ cả và hành vi sai khiến Ephraim, càu nhàu, giục giã chàng trai làm những công việc nặng: lấy xe cart thồ đá tảng, xúc than và lau chùi nội thất hải đăng; trong khi ông ta tự cho mình quyền nắm giữ chìa khóa của tầng cao nhất, leo lên đó rồi lén lút làm gì không rõ (Những cảnh quay loáng thoáng cho thấy ông ta cởi trần, nhìn say đắm vào ánh sáng bên trong ngọn đèn hải đăng và thủ dâm). Trong những ngày đầu trên đảo, Ephraim liên tục bị 1 con mòng biển quấy rối: khi thì réo lên những tiếng kêu ai oán, khi thì mổ liên tục vào cửa sổ phòng ngủ và thậm chí lao thẳng vào mặt Ephraim tấn công. Trong cơn giận đỉnh điểm, Ephraim chộp lấy con mòng biển và đập nát nó – một tội ác ghê tởm trong mắt của lão già Thomas mê tín, người tin rằng mòng biển chứa đựng linh hồn của những thủy thủ đã mất.

Xem thêm  Dàn Sao Nam Đẹp Trai "Cực Phẩm" Trong The Devil All The Time chiếu trên Netflix Vào 9/2020

Căng thẳng giữa 2 người đàn ông bắt đầu leo thang khi họ bỏ lỡ chuyến tàu giải cứu. Họ quyết định uống thật say đến mất kiểm soát. Ephraim thủ dâm điên cuồng với bức tượng nàng tiên cá mà anh ta tìm thấy dưới nệm giường ngủ – một hình ảnh liên tục đeo đuổi và ám ảnh anh trong những giấc mơ, trong khi lão già Thomas ngày đêm càu nhàu, đánh rắm nhiều và rất to. Bên ngoài hòn đảo, biển cả nổi bão tố với những cơn sóng mạnh cho tới khi những bí mật được hé lộ. Tên chàng trai không phải là Ephraim, thực chất anh ta trùng tên Thomas với ông già. Hắn đã giết 1 người đàn ông và lấy danh tính của người đó để lên đảo. Kết phim cho thấy đó không phải là vụ giết người duy nhất trong đời hắn ta. Sau khi phát hiện ra cuốn nhật ký của ông già viết đầy những lời lẽ trách móc thậm tệ dành cho mình và ý đồ sẽ quịt tiền lương, Thomas ‘trẻ’ tức giận lao vào đấm ông già đến chảy máu, làm nhục và tìm cách chôn sống lão. Cuối cùng, anh kết thúc bằng 1 nhát rìu vào mặt ông ta. Không còn ai cản mũi, Ephraim giờ-đây-là Thomas giành lấy chìa khóa, leo lên tầng cao nhất của tòa hải đăng và chiêm ngưỡng khối cầu xoay tròn, phát sáng… và thứ gì đó mà Thomas trông thấy bên trong khối cầu đã mê hoặc anh ta hoàn toàn, biến anh ta thành trấu điện quang (photonegative husk) rồi đẩy ngã anh ta xuống bậc thang hình xoắn ốc cho đến chân tòa tháp.

Hình ảnh cuối cùng chúng ta có được ở đoạn kết THE LIGHTHOUSE là lõa thể của Thomas bị phơi trần giữa những tảng đá, những con mòng biển rúc rích mổ nội tạng trong bụng và có vẻ như anh ta vẫn còn ý thức?!?

Có rất nhiều ngâm cứu và ẩn dụ được cài cắm vào phim, mà thoạt xem đa số khán giả sẽ không thể nắm bắt được. Nhưng chìa khóa để đọc vị THE LIGHTHOUSE là bạn buộc phải hiểu rõ: thần thoại, ngụ ngôn và văn hóa dân gian là những chất liệu rất đỗi quan trọng đối với Eggers – một nhà làm phim được biết đến với sự ngâm cứu tài liệu rất thâm sâu. Ở đây, chúng ta đang chủ yếu bàn về 2 nhân vật trong thần thoại Hy Lạp là Proteus và Prometheus.

Xem thêm  Review nhanh phim The Two Popes - Hai vị Giáo hoàng (2019)

“ ‘Chúng ta chợt nhận ra, Prometheus và Proteus chưa bao giờ sánh đôi trong bất cứ thần thoại Hy Lạp nào trước kia, nhưng điều đó dường như đang xảy ra ở đây’ và Prometheus có thể bao hàm một số đặc tính mà vị thần này không có trong quá khứ” – Eggers phát biểu trong cùng buổi phỏng vấn – “Nhưng các bạn biết gì không? Các tác giả cổ điển lúc nào cũng làm vậy”.

Trong truyền thuyết, Proteus là một trong số những vị thần xa xưa nhất của biển cả, kẻ canh giữ tri thức nhân loại, là bạn của những linh vật biển, nắm giữ mọi tri thức quý giá nhưng ghét việc san sẻ với người khác – điều đó khiến ông ta trở nên bần tiện và đáng khinh. Prometheus – trái lại – là kẻ thích cho đi; ông là 1 trong số những Titan ưa lường gạt, kẻ được biết đến với việc đánh cắp ngọn lửa của thần linh, châm ngòi cho đời sống trí tuệ của nhân loại. Để trừng phạt Prometheus, thần Zeus đã xích ông vào 1 tảng đá, nơi mà con đại bang bay đến mỗi ngày để moi lấy 1 bộ phận nội tạng trong thân thể Titan.

Nắm được điều đó, ta sẽ thấy những hình ảnh biểu tượng của THE LIGHTHOUSE ăn khớp với thần thoại Hy Lạp ra sao, và nhân vật chàng trai của Pattinson đã dám thách thức thần linh, leo lên ‘đỉnh Olympus’ qua những bậc thang xoắn ốc, và ‘được’ nếm mùi vị của thứ ánh sáng cấm trước khi bị mòng biển mổ thịt vì tội lỗi của mình. Hơn thế, Eggers cũng đã chú thích thước phim cuối cùng được lấy cảm hứng một phần từ Jean Delville – vị họa sĩ người Bỉ theo trường phái biểu tượng, người đã miêu tả cú trộm lửa thiêng của Titan như một điều gì đó đẹp đẽ, buồn bã (và tôi mạo phép cho rằng nó thật sexy).

Nhưng điều khiến THE LIGHTHOUSE thực sự thú vị – theo như Eggers đề cập – nằm ở cách bộ phim pha trộn, kết hợp và xoay chuyển tính cách nhân vật dựa trên những chất liệu thần thoại kể trên. Ẩn dưới biệt ngữ cổ (cuối thế kỷ XIX) và những ẩn dụ hoa mỹ, phim chủ yếu đề cập đến danh tính thực. Cả 2 người đàn ông thực chất đều nói dối về việc họ là ai (điều đó khá rõ ràng: nhân vật của Dafoe không có quá khứ làm thủy thủ lâu năm), phải miễn cưỡng chung sống với nhau trong 1 tòa nhà điên rồ – Điều này buộc họ phải thừa nhận: có lẽ họ đang nói dối người kia cũng như chính bản thân mình. Chủ đề của THE LIGHTHOUSE xoay quanh 1 thương hiệu tràn đầy nam tính về sự phản kháng, sự chiếm hữu dữ dội và say sưa đối với thứ ánh sáng bí ẩn nằm trên đỉnh tháp – thứ mà Thomas già buột miệng gọi là ‘cô ấy’, nhìn tổng quan hệt như 2 con trâu đực đang húc nhau. Nhưng cũng có 1 khoảnh khắc ngắn ngủi giữa cơn thịnh nộ kéo dài khi mà 2 người họ suýt nữa đã hôn nhau 🙂

Xem thêm  Robert Pattinson tuyên bố sẽ đi đóng phim khiêu dâm nếu "The Batman" thất bại

Có một cách rất đỗi lý thuyết để xem bộ phim này và phỏng đoán rằng Thomas già và Thomas trẻ có lẽ là cùng 1 người, họ cùng nhau hoàn thiện một vòng lặp không hồi kết: Chàng trai nhìn thấy diện mạo của mình lúc về già, cái đầu bị mất một bên mắt của ông lão trùng hợp với hình ảnh xác chết của gã trai ở cuối phim… Một người đàn ông nổi giận với chính mình và những sai lầm trong quá khứ. Chắc chắn, đã có tiếng gãy chân khi Pattinson rơi xuống từ đỉnh tháp hải đăng. Đây là một chi tiết tiềm năng khác, bởi nhân vật của Dafoe cũng bị mất 1 chân. Bạn nói thế nào về “Thời gian là vòng tròn phẳng” (Time is a flat circle) theo phương ngữ thủy thủ cuối những năm 1800s?

Nhưng điều đó cũng không giúp sáng tỏ cho câu hỏi Thomas trẻ đã thực sự trông thấy gì bên trong lồng ánh sáng trên đỉnh tháp. Chắc chắn đạo diễn Robert Eggers đã ẩn giấu đáp án cụ thể ở đâu đó trong phim, nhưng tôi chủ quan cho rằng điều đó không quan trọng. THE LIGHTHOUSE hòa quyện giữa thần thoại và sự xoay chuyển tâm trạng để kể một câu chuyện về những người không hiểu rõ bản thân mình. Giống như ngọn lửa mà Prometheus đánh cắp từ các vị thần, ánh sáng trên đỉnh tháp đại diện cho tất cả mọi thứ, mọi tri thức nhân loại và khi nhìn vào trong đó, thoáng chốc Thomas đã hiểu ra tất thảy. Tất nhiên anh chàng không thể đoạt được nó. Không ai có thể, ngoại trừ các thủy thủ đã đi về thế giới bên kia và quay trở lại dưới lốt những con mòng biển. Tốt nhất là hãy để chúng yên!

Các quan điểm và ý kiến ​​được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và KHÔNG ĐƯỢC XEM LÀ LỜI KHUYÊN ĐẦU TƯ. Đầu tư vào hoặc giao dịch tiền điện tử đi kèm với rủi ro mất mát tài chính. Theo dõi Ragus để được cập nhật thông tin nhanh chóng. Fanpage Group Telegram Twitter Youtube

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *