Viola Davis: Đời Tôi Là Một Cuộc Biểu Tình

Trong những ngày đau khổ và đầy cảm xúc sau khi George Floyd bị sát hại, Viola Davis đã mong muốn hơn bất cứ điều gì khác việc cô phải bước ra ngoài đường phố Los Angeles để la hét, phản đối hay cầm một tấm biển với những biểu ngữ. Davis muốn tham gia cùng hàng ngàn người khác đang tràn ngập khắp các thành phố trên toàn nước Mỹ và thế giới để kêu gọi công lý cho Floyd cũng như tất cả những người đàn ông và phụ nữ da màu khác từng bị cảnh sát giết chết một cách bất công.

Nữ diễn viên Octavia Spencer, người bạn thân của Davis và cũng là hàng xóm kể qua email: “Cô ấy gọi cho tôi và nói rằng cô ấy sẽ đi. Tôi ngay lập tức nói chuyện với cô ấy về vấn đề đó.” Cả Spencer và Davis đều lo lắng về việc khiến bản thân hoặc người thân của họ gặp nguy hiểm về sức khỏe và cũng nhận thức sâu sắc rằng với hệ thống chăm sóc sức khỏe bất bình đẳng này, COVID-19 mang tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều đối với người Mỹ da đen. Spencer tiếp tục: “Cả hai chúng tôi đều khóc. Đây chính là cuộc vận động dân quyền của chúng tôi và chúng tôi đã phải ngồi ngoài vì vấn đề sức khỏe. Chúng tôi cảm thấy bị cô lập với phong trào này.”

Ảnh chụp bởi Dario Calmese. Thiết kế bởi Elizabeth Stewart

Sau đó, cả hai có một ý tưởng: Liệu một cuộc biểu tình của khu phố với bạn bè và các thành viên gia đình, những người cần phải chú ý đến sức khỏe của họ thì sao? Họ hợp tác với người chồng 17 năm của Davis, diễn viên kiêm nhà sản xuất Julius Tennon; nữ diễn viên Yvette Nicole Brown và một số ít người khác cùng nhau cắm trại trên Đại lộ Laurel Canyon ở Studio City. Họ đeo khẩu trang để không bị nhận diện, nhưng ngay cả vậy, một người nào đó ở phía bên kia phố đã mang cho họ một chiếc bánh pizza thể hiện tình đoàn kết. Biểu ngữ của Davis, rất đơn giản, AHMAUD ARBERY.

Davis chia sẻ với tôi vài tuần sau từ nhà cô ấy ở Los Angeles: “Chúng tôi nói với nhau rằng chỉ ở ngoài đó trong vài phút nhưng kết cục lại thành ra hàng giờ liền. Hệt như một con đập lớn đang mở.” Davis ngập ngừng. “Chúng tôi nhận phải nhiều lời nói tục cũng như một vài ngón tay thối. Nhưng đây là lần đầu tiên những ngón tay ấy không khiến tôi cảm thấy phiền lòng”.

Tôi hỏi Davis rằng cô ấy đã từng biểu tình như vậy trước đây chưa, và với một sự cam chịu xen lẫn tự hào, cô ấy trả lời: “Tôi cảm thấy như toàn bộ cuộc đời tôi là một cuộc biểu tình. Công ty sản xuất của tôi là một sự phản kháng của tôi. Tôi không đội tóc giả tại Oscar năm 2012 là một sự phản kháng của tôi. Đó là một phần trong giọng nói của tôi, giống như khi tôi giới thiệu bản thân mình và nói, ‘Xin chào, tên tôi là Viola Davis’”

Để tôi kể bạn nghe về giọng nói đó. Tôi biết bạn đã từng nghe nó. Nhưng được nó bao bọc và hướng thẳng vào mình trong khi cô ấy quấn quanh làn vải đen sang trọng một cách thoải mái trong nhà bếp của chính cô; đó thực sự là một trải nghiệm sởn gai lưng. Giọng của Davis rất giống với loại nhạc cụ có dây cùng tên với, nó sâu sắc hơn những gì bạn có thể tưởng tượng – vang dội, ấm áp và đầy quyết tâm. Sự hiện diện của cô lan tỏa ngay cả qua không gian ảo. Đôi khi, Davis như đưa ra một ước lượng, hoặc một câu chuyện lịch sử bị chôn vùi, hoặc một lời kêu gọi đấu tranh. Thỉnh thoảng cô ấy nói tên tôi để nhấn mạnh một luận điểm và nó khiến tôi bị ngắt mạch suy nghĩ. Tôi tự hỏi liệu có ai từng gọi tên tôi trước đây như vậy chưa hay có ai đã từng quan tâm tên tôi nhiều như vậy? Tôi chẳng biết phải làm gì với đôi tay hay khuôn mặt mình mà cứ chỉ biết bằng lòng, gật đầu và cố gắng không để bị tụt lại phía sau.

Cuộc phỏng vấn của chúng tôi diễn ra vào 19/06, ngày lễ kỷ niệm giải phóng người da đen mà trước giờ chưa bao từng có sự công nhận chính thống. Đối với một người phụ nữ gắn liền tiếng nói và sứ mệnh của mình vào sự nghiệp, điều đó thật phù hợp. Davis, người sắp bước sang tuổi 55 vào tháng 8 tới, đã mòn mỏi bên lề nhiều năm trước khi có được sự công nhận của công chúng trong thập kỷ qua.

Vào năm 2015, cô đã trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên chiến thắng giải Emmy cho hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại chính kịch với How to Get Away with Murder, bộ phim vừa kết thúc sáu mùa phim đầy bất ngờ và khó nhằn hồi mùa xuân. Năm 2017, Davis giành được tượng vàng Oscar cho hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất với nhân vật Rose Maxson trong Fences, vai diễn mà trước đó cô từng chiến thắng ở Tony. Cô sẽ sắm vai Michelle Obama trong First Ladies sắp ra mắt của Showtime, bộ phim truyền hình được sản xuất bởi JuVee Productions, công ty do Davis và chồng cô điều hành. Davis thường mang đến một lực hút phi thường trong các vai cô đóng, một sự hiện diện của cả sức nặng và sự cuốn hút. Diễn xuất của cô trong The Help với vai diễn người hầu gái Aibileen Clark giúp nâng tầm bộ phim từ một sự nuôi dưỡng đầy biện hộ đến một cuộc chất vấn chân thực về cuộc chiến tâm lý của nạn phân biệt chủng tộc sâu sắc: Những tình tiết của cả bộ phim hiện rõ trên khuôn mặt cô.

Ảnh chụp bởi Dario Calmese. Thiết kế bởi Elizabeth Stewart

Davis tin rằng sức mạnh trong công việc của cô đến từ sự tuyệt vọng của tuổi thơ nghèo khó ở Central Falls, Rhode Island. Là người con thứ năm trong sáu đứa trẻ với một người cha nghiện rượu và đôi khi bạo lực, cô bé Viola Davis thường gặp rắc rối ở trường, bị bỏ đói và không được tắm rửa. Gia đình cô chẳng thể có đủ khả năng chu cấp thường xuyên chuyện giặt ủi và xà phòng, chứ đừng nói đến bữa sáng và bữa tối. Cô làm ướt giường cho đến tận khi 14 tuổi và đôi khi đi học với mùi hôi thối trên người. Davis nói: “Khi tôi còn trẻ, tôi đã không cất lên tiếng nói của mình bởi tôi không cảm thấy đủ xứng đáng.”

Chính sự ủng hộ và tình cảm của những người biết rằng cô ấy xứng đáng đã đưa cô ra khỏi nơi cô gọi là “hố sâu”: chị gái Deloris, Diane, và Anita; và mẹ cô ấy, bà Mae Alice. Davis kể” “[Họ] nhìn tôi và nói tôi rất đẹp. Liệu có ai nói với một cô gái da đen rằng cô ấy xinh đẹp? Không ai nói vậy cả. Tôi nói với bạn này, Sonia, không ai nói điều đó cả. Tiếng nói của người phụ nữ da đen da đen chìm rất sâu trong chế độ nô lệ và lịch sử của chúng ta. Nếu chúng tôi lên tiếng, nó sẽ khiến chúng tôi phải trả giá. Đâu đó trong trí nhớ kém cỏi của tôi vẫn còn cái cảm giác rằng tôi không có quyền lên tiếng về cách tôi được đối xử, bằng cách nào đó tôi xứng đáng với nó.” Cô dừng lại. “Tôi đã từng không tìm thấy giá trị của chính bản thân mình.”

Ở trường, Davis đã được học phiên bản lịch sử Hoa Kỳ mà phần đông công nhận, thứ chỉ dấy lên nhiều câu hỏi hơn. “Tôi đã được dạy rất nhiều điều chẳng liên can đến tôi” – cô nói. “Tôi đã ở đâu? Những người như tôi đã làm gì?” Một mùa hè khi Davis còn là thiếu niên, một cố vấn viên tại Upward Bound đã nghe cô và chị gái nhắc lại những gì họ đã học được: rằng những người nô lệ không biết chữ. Anh ta đã lôi họ đến Hội Di sản Da đen Rhode Island ở Providence và cho họ xem đoạn phim của những người theo Chủ nghĩa bãi nô để truyền cảm hứng cho họ. “Chúng tôi ngồi đó hàng giờ và chúng tôi đã khóc” – Davis kể. “Chúng tôi đã khóc suốt thời gian đó.”

Xem thêm  Chủ Nhân Tượng Vàng Tony, Grammy, Emmy Cynthia Erivo Làm Phim Đề Tài Âm Nhạc Cho Universal

Bây giờ hãy để tôi kể bạn nghe về tâm trí của Davis. Cô khẳng định rằng tâm trí của mình không phải sắc nét nhất vào lúc này. “Trong sáu năm qua, bộ não của tôi đã trở nên hỗn độn bởi tôi đã tham gia một bộ phim truyền hình” – cô chia sẻ. “Tôi từng là một con mọt sách.” Bộ não của cô áy, nếu nhận xét một cách rất nhẹ nhàng, dường như nó chẳng hề hỗn độn. Trong suốt cuộc phỏng vấn của chúng tôi, Davis trích lời nhà viết kịch Arthur Miller và George C. Wolfe, nhà văn kiêm giáo sư Brené Brown, nhà tâm lý học hiện sinh Irvin Yalom, lãnh đạo dân quyền Barbara Jordan, công tố viên người Đức Ben Ferencz, nhà sư và nhà thần học Thomas Merton, triết học gia Aristotle và người bạn thân thiết của cô – Meryl Streep.

“Khi tôi còn trẻ, tôi đã không cất lên tiếng nói của mình bởi tôi không cảm thấy đủ xứng đáng.”

Viola Davis

Davis không nói chuyện phiếm. Chúng tôi chỉ mới vào cuộc phỏng vấn vài phút khi cô ấy chia sẻ với tôi những nhu cầu cơ bản và gốc rễ của bản thân việc cô xứng đáng và có giá trị. Khá bối rối khi trò chuyện với một người có quá nhiều kiến thức về bản thân lẫn kiến thức chung. Lúc đấy, Davis đang đọc Post Traumatic Slave Syndrome của Joy DeGruy, một cuốn sách giúp mở mang kiến thức lịch sử của cô. Thảo luận về cuốn sách, cô ấy dẫn tôi đi qua một bài lịch sử ngắn gọn về sự áp bức của người Mỹ da đen, trích dẫn Đạo luật giết người thông thường và đức tin đạo Tin lành nhằm làm sáng tỏ con đường đi tù hàng loạt và sự tử vong của các bà mẹ da đen. Khi đã tìm ra giá trị của bản thân – nhờ ơn nhà hát; cũng như mẹ, chị gái và các giáo viên của cô – Davis giữ chặt nó bằng cả hai tay, khước từ việc buông bỏ.

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Rhode Island năm 1988, Davis đến Juilliard. Trải nghiệm của cô không giống như các sinh viên khác. Cô tổ chức lễ tốt nghiệp của mình với những gì mà túi tiền hạn hẹp cho phép: mì ramen ăn liền và chân lợn ngâm. Davis tin rằng Juilliard kể từ đó đã phát triển, nhưng khi cô ở đó: “Juilliard đào tạo theo quan điểm chủ nghĩa thực dân châu Âu. Đây là loại trường học không thừa nhận sự hiện diện của tôi trên thế giới.”

Thời điểm tốt nghiệp Juilliard năm 1993, Davis say mê những James Baldwin, Claude Brown, Nikki Giovanni và Malcolm X. “Tôi đọc về tất cả mọi người vào thời điểm đó” – cô nói. “Vì tôi tức giận. Đó là lúc cô bắt đầu đi sâu vào các vở kịch của August Wilson, người có tiếng nói không được thừa nhận nơi giảng đường. Davis đã giành được một giải Tony nhờ King Hedley II và nhận được sự hoan nghênh từ khi còn trẻ với Seven Guitars trên sân khấu Broadway. Vai Rose Maxson trong Fences hoàn toàn được yêu thích; và năm nay, cô vào vai ca sĩ nhạc blues huyền thoại Ma Rainey trong bộ phim Ma Rainey’s Black Bottom trên Netflix cũng như điều hành sản xuất một bộ phim tài liệu cho kênh trực tuyến này có tên Giving Voice kể về những học sinh trung học thi đấu trong một cuộc thi độc thoại dựa trên vở kịch của Wilson. Davis nói về Wilson: “Ông ấy viết cho chúng tôi.Tôi yêu August, vì ông ấy để [nhân vật da đen] được lên tiếng. Đã rất nhiều lần tôi không được phép mở lời. Và đôi khi ngay cả khi tôi nói, tôi cũng kiểu như, đó không phải là điều tôi sẽ nói.” Cô bĩu môi một cách khinh bỉ.

Lấy bối cảnh một buổi ghi hình vào năm 1927, Ma Rainey’s Black Bottom, mang đến một màn trình diễn từ phía Davis với sự tương đồng về mặt đạo đức đầy mơ hồ của nhân vật Annalise Keating trong How to Get Away With Murder hơn là Rose Maxson với những đau khổ dai dẳng. Trong vai Rainey, cô trần tục, đầy mồ hôi và tham vọng; tài năng của cô gần như vượt qua cả bản ngã. Cao ráo, răng bọc vàng và là người song tính; Rainey yêu cầu một sự biến hóa từ diễn viên: “Cô ấy nặng 300 pounds. Ở Hollywood, đó là vấn đề lớn… Mọi người đều muốn mình xinh đẹp, vì vậy họ sẽ nói, ‘Ôi, tôi không muốn nặng 300 pounds, chúng ta có thể bỏ qua vụ đó không?’ Theo ý kiến của tôi thì không. Nếu họ nói cô ấy 300 pounds, bạn phải nặng 300 pounds, nếu không bạn sẽ không tôn vinh được cô ấy.” Davis đã tăng cân và đeo miếng độn để có cơ thể gần với số đo của Rainey.

Đối với Davis, phần khó khăn nhất không phải là bối cảnh nghèo nàn của một nhân vật mà là việc khám phá đâu là những động lực để họ phấn đấu và những gì giữ họ lại. Cô trích dẫn một đoạn nổi tiếng từ cuốn tiểu thuyết My Argument With the Gestapo của Merton: “Nếu bạn muốn định nghĩa tôi, đừng hỏi tôi sống ở đâu hay tôi thích ăn gì hay tôi chải tóc như thế nào, mà hãy hỏi tôi đang sống vì điều gì, hoặc chi tiết hơn, hãy hỏi tôi những thứ mà tôi cho rằng sẽ khiến bản thân không thể sống trọn vẹn vì điều mình khao khát.”

Với Davis, đây là tôn chỉ của cả cuộc sống và công việc: “Luôn luôn là một điều gì đó cơ bản” – cô nói, trong thân tâm của mỗi cá nhân, mỗi nhân vật. Nhưng nó là yếu tố khó tách biệt nhất. “Đôi khi tôi bỏ qua nó” – cô nói thẳng. “Tôi cho là: ‘Có lẽ tôi sẽ được khai sáng sau này.’” Với Rainey, đó là vấn đề được tôn trọng. Có một lần với đầy sự hiềm khích, Rainey yêu cầu ba lon Coca-Cola và sẽ không biểu diễn cho đến khi cô có được chúng. Cô ồn ào tu cạn hết trong khi vị quản lí da trắng, nhà sản xuất da trắng và ban nhạc da đen của cô chờ đợi. Nó gây phẫn nộ – nhưng đồng thời, cũng cực kỳ ngầu.

Giữa cuộc trò chuyện, Davis di chuyển màn hình và đưa tôi từ nhà bếp trắng tinh chói sáng của cô ấy đến một văn phòng kín đáo hơn. Tôi lướt nhẹ qua một bức tường phủ kín trong những bức ảnh đóng khung với trần nhà cao của biệt thự đầy tiện nghi. ( “Đây là điểm cốt yếu” – Davis từng nói với tờ The New Yorker năm 2016 – “Vì tôi lớn lên trong không gian chật hẹp như vậy, tôi không được chăm sóc móng tay, móng chân; tôi không ngồi trong xe hơi, nhưng tôi có một ngôi nhà tuyệt vời.”) Davis đổi địa điểm vì chồng cô bắt đầu bật máy rửa chén. Dù không kịp nói xin chào nhưng tôi đã thấy cánh tay của anh ấy và cái nhìn âu yếm đầy cởi mở trên khuôn mặt Davis khi cô quay về phía anh. “Chúng tôi là một gia đình ồn ào” – cô nói với tôi khi đã yên vị trong văn phòng mình. Cô nói rằng nếu con gái cô nếu ở đó, con bé chắc chắn sẽ muốn nói xin chào. Cô bé 10 tuổi xuất hiện trong bộ phim đầu tay, The Angry Birds Movie 2, vào năm ngoái.

Ảnh chụp bởi Dario Calmese. Thiết kế bởi Elizabeth Stewart

Văn phòng này là một kho lưu giữ chiến lợi phẩm lớn với rất nhiều giải thưởng của Davis tập trung dọc theo một bức tường. Davis có vẻ không thích căn phòng này – “Ngay khi tôi bước vào đó, sự lo lắng của tôi tăng lên” – vậy nên cô quay lưng khỏi các bức tượng và thay vào đó tập trung vào một bức ảnh của cô và Streep trên phim trường Doubt năm 2008. Dù Davis đã có tên tuổi trên sân khấu Broadway, Doubt là bước đột phá ở dòng phim thị trường của cô – một màn trình diễn bảy phút và kết thúc với đề cử Oscar. Streep, trong chiến dịch vận động giải thưởng cá nhân, đã ca ngợi người bạn diễn, thốt lên rằng: “Ai đó hãy trao cho cô ấy một bộ phim!”

Xem thêm  Danh sách 32 phim hoạt hình tham gia tranh giải Oscar 2020

“Những người chia sẻ chung một hệ thống niềm tin với chúng ta gọi là gì nhỉ?” – Davis hỏi tôi. “Meryl có chung quan điểm với tôi.

Sự nghiệp của Streep là động lực thúc đẩy Davis. Trong một ngành công nghiệp mà giải thưởng thường được trao cho những vai diễn nữ ngây ngô trẻ trung; cả hai diễn viên đều tạo được dấu ấn khi vào vai những người phụ nữ nhu mì, phức tạp, trưởng thành; mặc dù Davis không có được lợi thế trong 20 năm đầu sự nghiệp như Streep với những vai diễn được dành riêng để thể hiện tài năng. Tại thời điểm này, với một công ty sản xuất của riêng mình, Davis biết rằng cô có thể tìm được việc làm. Thứ khiến cô lo lắng là các nữ diễn viên da đen trẻ và đang đấu tranh để không trở nên vô danh – những phiên bản trẻ của cô. “Không có đủ cơ hội ở ngoài kia để đưa những nữ diễn viên da đen vô danh vào hàng ngũ những người được biết đến. Để bật cô ấy lên!” Davis kể tên vài diễn viên bao gồm Emma Stone, Reese Witherspoon, Kristen Stewart, tất cả đều là “những diễn viên da trắng tuyệt vời”, đã có “một vai diễn tuyệt vời cho mỗi giai đoạn của cuộc đời, đưa họ đến với vị thế hiện tại. Chúng ta không thể kể ra nhiều cái tên tương tự với các diễn viên da màu.”

Viola là một trong những diễn viên tuyệt vời nhất mọi thời đại, không chỉ trong thời của cô ấy. Davis đã được công nhận – tất nhiên không phải quá trễ, nhưng muộn hơn một số người.

Denzel Washington

Davis tham gia vai Aibileen trong The Help vì cô hy vọng bản thân sẽ có chút tiếng tăm. “Khi ấy tôi mới lấn mạnh sang màn ảnh rộng và đang cố gắng để có được những vai diễn.” Bộ phim đã tạo ra hiệu ứng tích cực trên toàn quốc và cô lại giành được một đề cử Oscar, nhưng quan điểm của phim về mối quan hệ chủng tộc đã gây rối trí nhiều nhà phê bình. Năm 2018, Davis nói với tờ New York Times rằng cô rất hối hận khi đã nhận vai diễn này. Cô vẫn hối tiếc, dù gần đây The Help đã trở thành bộ phim được xem nhiều nhất trên Netflix trong thời điểm biểu tình bùng nổ về George Floyd. Davis hết sức khen ngợi biên kịch kiêm đạo diễn Tate Taylor, người da trắng, và dàn diễn viên đa số là nữ. “Tôi không thể kể hết tình yêu tôi dành cho những người phụ nữ này và tình yêu họ dành cho tôi” – cô bộc bạch. “Tuy nhiên, với bất kỳ bộ phim nào, liệu mọi người đã đủ sẵn sàng cho sự thật hay không?”

The Help được quay một phần tại Greenwood, Mississippi và Davis đã ý thức sâu sắc về vấn đề phân biệt chủng tộc tận gốc rễ của khu vực này: Emmett Till đã bị tra tấn và sát hại cách đó một vài dặm trong khu Money còn Hội đồng Công dân Da trắng đầu tiên được cho là thành lập trong vùng lân cận Indianola . Bộ phim hướng đến câu chuyện bi kịch của Aibileen, sau đó nhanh chóng đánh mất phong độ, biến nạn phân biệt chủng tộc thành trò hề xã hội. “Không nhiều câu chuyện được đầu tư để hướng đến cộng đồng chúng tôi” – Davis chia sẻ. “Họ thường đầu tư vào ý tưởng về ý nghĩa của màu da đen nhưng lại để phục vụ cho khán giả da trắng. Với nhiều khán giả da trắng nhất có thể và một bài học hàn lâm về chúng tôi. Sau đó, họ rời khỏi rạp chiếu và bàn luận về ý nghĩa của nó. Họ không lay động vì con người chúng tôi.”

Ở đây, Davis nhắc đến sức mạnh từ các tác phẩm của Wilson, so với những gì cô gọi là chất liệu đã được “nói giảm nói tránh”. Cô nói đến To Kill a Mockingbird , gần đây đã hồi sinh bằng một vở kịch của Aaron Sorkin trên sân khấu Broadway. Nó được yêu thích vì những lý do tốt đẹp nhưng “Atticus Finch là anh hùng. Tom Robinson đã bị tàn sát và giết hại trong tù vì một việc mà anh ta không hề làm!” Davis cười với chút hài hước của sự lạc lối kèm thất vọng và hoài nghi. “Anh ta không hề là một người hùng.”

“Chả có ai cảm thấy The Help không giải trí. Nhưng có một phần trong tôi cảm thấy như tôi đã phản bội chính mình và cộng đồng của tôi, bởi vì tôi góp mặt trong một bộ phim chưa sẵn sàng [nói lên toàn bộ sự thật]” – Davis nói. The Help giống như rất nhiều bộ phim khác, đã “được tạo ra trong bộ lọc và sự ô uế của nạn phân biệt chủng tộc.”

Và thật đáng kinh ngạc, trong khi The Help nâng tầm sự nghiệp của cô, nó đã không mở ra cơ hội cho những vai diễn thực sự quan trọng hơn. Mọi người đôi khi hỏi Davis tại sao cô ấy làm truyền hình trong sáu năm khi cô có một sự nghiệp điện ảnh. “Tôi luôn hỏi họ, ‘Phim gì? Những bộ phim đó là gì?’” – cô nói với một cái lắc đầu đầy hoài nghi. “Nghe này, tôi đã nhận được vai trong Widows” – bộ phim hành động giật gân năm 2018 về một nhóm phụ nữ lên kế hoạch trộm cướp – “nhưng nếu tôi chỉ dựa vào những khuôn mẫu của Hollywood… Sẽ chẳng có những vai diễn như vậy.”

Đạo diễn Widows, Steve McQueen đồng ý: “Điểm chính đối với tôi” – anh chia sẻ, không một chút xúi giục nào cả: “cô ấy cần đóng nhiều thể loại các nhân vật hơn trên màn ảnh. Cô ấy cần được chú ý nhiều hơn.” McQueen chẳng thể kìm lại những lời khen ngợi đối với tài năng của Davis: “Cô ấy dám đến những nơi chẳng ai dám. Cô ấy không sợ trở nên quá con người. Cô ấy vẫn chưa chạm đến những giới hạn đó.”

Nhưng Davis đã làm việc rất tuyệt vời với những cơ hội mà cô ấy có được, khiêm tốn mà nói. “Viola là một trong những diễn viên tuyệt vời nhất mọi thời đại, không chỉ trong thời của cô ấy” – Denzel Washington, nhà sản xuất Fences và Ma Rainey đồng thời cũng đạo diễn và ngôi sao của Fences nhận xét: “Davis đã được công nhận – tất nhiên không phải quá trễ, nhưng muộn hơn một số người. Nhưng cô ấy đã tiến xa hơn đa số. Bởi vậy, bạn biết đấy, bạn thích cái nào hơn? Một số người có cơ hội từ rất sớm nhưng cũng lại kết thúc thật sớm.”

Với phong trào #MeToo, Hollywood đã chỉ ra nguyên nhân của quấy rối tình dục và chênh lệch thù lao, nêu bật lên cách ngành công nghiệp đối xử với đàn ông và phụ nữ. Nhưng bình phẩm về quấy rối và tiền bạc vẫn đặc biệt gây khó xử cho những nghệ sĩ da màu. Như Davis nói: “Chúng tôi đều biết rằng đã là phụ nữ, một khi lên tiếng bạn sẽ ngay lập tức bị định danh là một con điếm hoặc là một kẻ ngỗ nghịch. Đó mới chỉ là một người phụ nữ bình thường. Là một người phụ nữ da màu, có rất, rất, rất ít việc bạn phải làm. Tất cả những gì bạn phải làm là đảo mắt, có lẽ, và chỉ vậy thôi.” Trong những khoảnh khắc như vậy, cô lại cảm thấy hội chứng nô lệ hậu chấn thương (post-traumatic slave syndrome) một lần nữa: “Tên da đen này, mày làm như tao nói, khi tao bảo mày làm.” Sau đó, cô nói với tôi rằng: “Nếu có một nơi nào có thể trở thành ẩn dụ cho việc chỉ cần hòa nhập và rồi bóp nghẹt đi tiếng nói đích thực của chính mình, Hollywood sẽ là nơi phù hợp.”

Xem thêm  Vạn Phúc City: Khu đô thị biệt thự - nhà phố - căn hộ kiểu mẫu thay đổi diện mạo khu Đông
Ảnh chụp bởi Dario Calmese. Thiết kế bởi Elizabeth Stewart

Với lời cảnh báo “khi nói về thu nhập của những người nổi tiếng, nó bỗng trở nên dễ ghét… Gần 50% người Mỹ kiếm được 30 ngàn USD hoặc thấp hơn” – Davis đề cập đến một tin tức cũ, một nữ diễn viên kiếm được 420 ngàn USD cho mỗi tập của một chương trình truyền hình đã vô cùng bất mãn khi biết được đồng nghiệp nam của cô kiếm được 500.000 (cô dường như đang đề cập đến ngôi sao của House of Card, Robin Wright và Kevin Spacey, nhưng cũng có một câu chuyện tương tự về Ellen Pompeo và Patrick Dempsey của Grey Anatomy). Sự chênh lệch ấy là sai, Davis nói. “Nhưng cái cách tôi nhìn nhận chuyện đó là” – cô nâng cao tông giọng –“Cô ta được trả 420.000 đô mỗi tập trong khi Tôi, Taraji P. Henson, Kerry Washington, Issa Rae, Gabrielle Union chỉ là một người có tên trên bảng gọi thử vai”

Không lên tiếng là điều không tưởng đối với Davis. Tiếng nói như là bản sắc và sự giải phóng của cô. Dù vậy, điều ấy vẫn khó khăn. “Mình có nên nói hay không? Có nên im lặng không? Đâu là một thông điệp tốt? Liệu mình có phải sẽ nhận được một kiểu phản ứng dữ dội trong im lặng, vào lúc mình ngừng nhận được các cuộc điện thoại? Liệu mình sẽ không nhận được việc nữa?”

Và, như thể những câu hỏi kia chưa đủ ghê gớm, đây, một câu hỏi nữa: Làm thế nào Davis có thể giải quyết mọi thứ cần giải quyết khi phân biệt chủng tộc ở đất nước này vừa tinh tế vừa có hệ thống? Tôi đã theo dõi Davis thực hiện các cuộc phỏng vấn video với những người đàn ông da trắng (như Tom Hanks, cho series “Actors on Actors” của Variety) và phụ nữ da đen (như Oprah Winfrey, cho OWN – Oprah Winfrey Network). Sự khác biệt rất đáng chú ý. Tất nhiên Davis là một người biết cách thay đổi khéo léo. Cô phải như vậy. Nhưng sự cởi mở của cô ấy trước sự hiện diện của Winfrey, khác biệt rõ rệt với vẻ cẩn trọng và lạnh lùng trước Hanks, một người – vì bất cứ lý do gì đó, có lẽ chỉ là sự phấn khích hoặc thiếu kinh nghiệm khi phỏng vấn – liên tục ngắt lời cô.

Davis nhắc đến đến lịch sử của chính Vanity Fair, về sự xuất hiện của người da màu, hoặc sự thiếu thốn điều đó – và cũng công bằng thôi. “Họ đã gặp vấn đề trong quá khứ với việc đưa phụ nữ da đen lên trang bìa” – cô nói. “Nhưng có rất nhiều tạp chí, rất nhiều chiến dịch làm đẹp. Sự vắng mặt của phụ nữ da đen ở đó là sự thực. Khi bạn kết hợp điều này với những gì diễn ra trong nền văn hóa của chúng ta và cách họ đối xử với phụ nữ da đen; bạn gặp khó khăn gấp đôi. Bạn đang đặt chúng tôi vào một chiếc áo choàng vô hình hoàn toàn”

Cô đồng ý nhận vai Annalise trong How to Get Away With Murder, cũng như vị trí nhà sản xuất, để cố gắng định hình lại và mở rộng cánh cửa cho phụ nữ da đen – để tạo nên những cuộc chuyện trò mơ hồ về đạo đức, song tính và không đội tóc giả cũng như không trang điểm. Năm nay, trên tờ New York Times, nhà làm phim – nhà báo Kellee Terrell đã mô tả Annalise như “một người mặc khải văn hóa đại chúng” và “một trong những phụ nữ da đen phức tạp nhất trong lịch sử truyền hình”. Tuy vậy, một chút gì đó của Times trước đây vẫn tồn tại ở đó chẳng khác nào một đám mây độc hại. Năm 2014, nhà phê bình Alessandra Stanley đã gây ra phản ứng dữ dội với bài phê bình của cô về chương trình, mô tả nhà sản xuất điều hành Shonda Rhimes là một “phụ nữ da đen tức giận”, và tuyên bố, một cách ngớ ngẩn, rằng Davis “không đẹp một cách cổ điển như [Kerry] Washington”.

Davis không giận dữ về tác phẩm của Times, nhưng cô cũng sẽ không coi đó là một sự kiện ngẫu nhiên hay vô nghĩa. “Mặc kệ tên của cô ấy đến từ tờ New York Times… hãy chỉ viết bình luận thôi!” Cô ấy dừng lại ở đây, vì tôi đang cười. “Khi không chỉ viết một bài đánh giá thông thường, bạn đã tiết lộ sự phân biệt chủng tộc tiềm ẩn của chính mình. Tất cả những gì bạn nhìn thấy là một phụ nữ da đen, chấm hết. Bạn không thấy một người phụ nữ.”

Davis tìm kiếm sức mạnh cho bản thân từ cả những người phụ nữ da đen, những người đã tạo nên một con đường cho cô và cả những cô gái nhỏ, giống con gái của cô, nối tiếp bước chân cô ấy. “Chúng tôi đã sống sót qua cả một lịch sử địa ngục.”

“Mọi người chia sẻ câu chuyện của họ với tôi rất nhiều” – cô tiếp tục. Tôi gật đầu với cô ấy qua Zoom. Tất nhiên họ sẽ kể. “Mọi người ôm tôi trong các cửa hàng tạp hóa. Bãi đỗ xe tại Target.” Các cửa hàng như Target và Vons, cô nói thêm, là “chốn hạnh phúc” của cô. Khi tôi xem xét lại cô khi còn là một cô bé, nó thật hợp lý. Chúng là những nơi lộng lẫy, tỏa sáng ánh huỳnh quang của những cái bẫy giá phải chăng bán phẩm giá con người – một chút tạp hóa, một chút thời trang, một chút đồ trang trí.

Như với nhiều người trong chúng ta, đại dịch đã mang đến cho Davis một hương vị của một cuộc sống chậm rãi hơn. “Tôi không đặt ra giới hạn nào cho bản thân” – cô nói. “Nhưng tôi cảm thấy vỡ mộng vì bận rộn. Công việc của tôi không phải là tất cả”. Cô dừng lại, sau đó nói thêm với sự hài hước đang bị kìm nén: “Tôi đã từng nói khi còn trẻ, ‘Diễn xuất không phải là công việc của tôi, đó là con người tôi.’ Giờ tôi nhìn lại bản thân mình và kiểu như, mày đang nói cái quái gì vậy?” Cô cười, với cung giọng thánh thót như tiếng chuông.

Tôi nghĩ rằng tôi hiểu. Diễn xuất đã giúp cô tìm thấy tiếng nói của mình. Nhưng cô ấy đã khám phá ra rằng giá trị của cô ấy vượt xa tài năng của mình.

“Với cả thế giới, cô ấy là một chiến binh” – Octavia Spencer thổ lộ. “Còn với những người yêu quý cô, cô ấy chỉ đơn giản là người chị của chúng tôi

Bài gốc Viola Davis: “My Entire Life Has Been a Protest” do nhà phê bình truyền hình Sonia Saraiya của tạp chí Vanity Fair thực hiện. Bài viết đã được đăng tải trên website của Vanity Fair nhằm quảng bá cho ấn bản của tạp chí này ra mắt trong ngày 07/08 tới với ảnh bìa là Viola Davis.

Các quan điểm và ý kiến ​​được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và KHÔNG ĐƯỢC XEM LÀ LỜI KHUYÊN ĐẦU TƯ. Đầu tư vào hoặc giao dịch tiền điện tử đi kèm với rủi ro mất mát tài chính. Theo dõi Ragus để được cập nhật thông tin nhanh chóng. Fanpage Group Telegram Twitter Youtube

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *