PATRICK BATEMAN – American Psycho (2000): Kẻ sát nhân cuồng tín “chất” nhất làng phim kinh dị

Patrick Bateman trong American Psycho là một trong những nhân vật điên rồ nhất của dòng phim kinh dị. Cho đến ngày nay, ngọn lửa bạo lực bùng phát trong gã vẫn chưa ngừng ám ảnh, vì tuy nó hèn hạ, nhưng cũng không kém phần lôi cuốn. Bateman được giới thiệu là một vỏ bọc trống rỗng, là một người theo thuyết nhị nguyên, và chỉ vài giờ sau đó, gã đã văng rìu loạn xạ, rồi làm náo loạn cả hành lang với cơ thể đẫm máu khi đang cầm chiếc cưa máy trong tay. Gã là một người lạnh lùng nhưng rối rắm, xen lẫn chút kỳ quái; hơn thế nữa, những hành động của gã như một lưỡi dao, khoét đến tận sâu vào từng ngóc ngách trong những cơn ác mộng nơi khán giả.

Tất cả những điều trên sẽ không thể hình thành, nếu thiếu đi diễn xuất tài tình đến từ Christian Bale. Trước khi xuất hiện trong American Psycho, Bale chỉ là một gương mặt làng nhàng tại Hollywood, nhưng vai gã điên Patrick Bateman xuất sắc đã đưa nam tài tử lên đến tầm tinh hoa tại kinh đô điện ảnh thế giới.

Dựa trên cuốn tiểu thuyết đầy tranh cãi của nhà văn Bret Easton Ellis, American Psycho là một siêu phẩm trào phúng, mang đến góc nhìn trần trụi về văn hóa Yuppie những năm 80 tại Hoa Kỳ. Nếu rơi vào tay những đạo diễn khác, “Mỹ điên” rất có thể đã bị lợi dụng, nhưng Mary Harron vẫn thành công trong việc tạo ra một phim thiêng khác thường, đánh thẳng vào một thời đã xa, cùng với đó là đưa lên màn bạc một kiểu mẫu phản diện khác biệt.

CÁI ÁC BỀN BỈ:

Patrick Bateman là con quái vật mẫu mực trong dòng phim hiện đại. Nhưng, trái với những kẻ ác truyền thống trong phim kinh dị, gã không có năng lực dị biệt. Thoạt nhìn, gã là một tay môi giới chứng khoán sang chảnh và quyến rũ tại phố Wall, nhưng bên dưới lớp vỏ bọc ấy, là một thực thể đáng sợ. Bateman đã khéo léo dựng nên tính cách của chính mình để có thể hòa nhập với đồng nghiệp, để là một phần của xã hội.

Gã nói: “Tôi có mọi thứ mà con người nào cũng có: Máu, thịt, da, tóc, nhưng tuyệt nhiên không có chút xúc cảm cụ thể nào, ngoại trừ lòng tham và ghê tởm.” Sự thiếu hụt, và cả điềm báo đã thể hiện rõ mồn một trong lời tự sự của Bateman. Thêm vào đó, việc không thể nhận ra những xúc cảm thông thường đã khiến hắn thêm phần linh hoạt.

American Psycho đã phác họa bức chân dung đầy phức tạp về một sản phẩm của văn hóa tiêu thụ, cũng là kẻ chăm chút đến máy móc từng hoạt động thường nhật. Ngay từ những phút đầu tiên, Bateman đã nói:
“Đơn giản là tôi không ở đó.”

Xem thêm  Ferrari rao bán chiếc Roma đầu tiên, quyên góp $750.000 cho quỹ “Save the Children”

Có hai lý do giải thích cho câu nói này. Thứ nhất, Bateman vốn dĩ đã chìm nghỉm trong hội doanh nhân ở phố Wall. Và thứ hai, gã có một điểm chung với các nạn nhân, đó là lối sống giàu sang, thể hiện ở những danh thiếp và những cuộc đặt bàn hoang phí.

Bateman có thể thoát tội trót lọt vì gã hành xử chẳng khác nào người thường. đến mức đồng nghiệp còn nhầm gã với người khác. Gã vừa là hình mẫu tiêu biểu trong văn hóa yuppie, vừa không thể chịu đựng điều đó. Vì thế, gã tự tạo cho mình cuộc sống thứ hai.

Dưới nhân dạng ác độc, Bateman đã thể hiện ý chí tự do một cách đen tối nhất có thể. Gã trôi nổi trong xã hội một cách vô định và hung hăng, mà chẳng có ai để ý. Với vẻ ngoài quyến rũ và trí thông minh, Bateman dễ dàng lừa gạt người khác, nhồi nhét mong muốn và trí tưởng tượng của bản thân vào từng cuộc đối thoại, nhưng ai cũng hiểu nhầm, hoặc tưởng rằng gã đang đùa cợt. Vì thế, American Psycho đã nói lên rằng quái vât có thể ở bất cứ đâu, tồn tại dưới bất cứ nhân dạng nào, kể cả là một người có vẻ ngoài bình thường như Bateman.

NHỮNG GÃ MỸ ĐIÊN:

Dù những kẻ giết người loạn trí đã xây dựng cả một đế chế riêng trong thế giới kinh dị, thì Patrick Bateman vẫn nổi lên như một con quái thú với chất riêng của bản thân. Gã bị thao túng bởi cái tôi lệch lạc, và có một sự thật mỉa mai đến bi thảm trong cốt lõi của nhân vật này, đó là gã biết mình điên. Ở nhiều khía cạnh, Patrick Bateman có cái tứ của những gã ác nhân đi trước, như kẻ khổng lồ đeo mặt nạ mang tên Leatherface trong The Texas Chainsaw Massacre.

Nhưng, sự khác biệt giữa American Psycho so với những phim Slasher thông thường mới là yếu tố khiến bộ phim trở nên lôi cuốn. Nếu đặt lên bàn cân với Scream của đạo diễn Wes Craven, có thể thấy American Psycho đã đảo lộn phương thức kể chuyện thông thường. Trong hầu hết phim Slasher, nhân dạng của kẻ thủ ác chỉ được tiết lộ ở những phút cuối, nhưng với American Psycho, nhân vật trung tâm lại chính là sát nhân, trong câu chuyện được kể từ điểm nhìn của chính anh ta. Hơn nữa, thông thường, những quái vật trong phim sẽ thể hiện nỗi sợ vô minh, nhưng mối lo ngại trong Mỹ điên lại xuất phát từ lòng tham, sự thèm khát và ức chế.

Xem thêm  [Top] 7 phim hoạt hình chiếu rạp hay nhất 6 tháng đầu năm 2019

American Psycho xoay quanh ý tưởng về cái ác nhen nhóm dưới lớp bề mặt bình thường. Điều này được thể hiện ở chính lời nói của Bateman:
“Có gì đó rất tồi tệ đang diễn ra bên trong tôi, nhưng tôi không biết là tại sao.”

Thông qua việc hòa trộn giữa hoạt động nhỏ nhặt thường ngày và những cuộc mưu sát dã man của Bateman, American Psycho đã thể hiện sự bình thản trong cả đời sống thường nhật lẫn hành vi giết người của những kẻ điên một cách đầy ám ảnh. Bên cạnh đó, qua chính sự bình thản kể trên, có thể thấy rằng American Psycho còn phản ánh nỗi lo ngại về tính ức chế, cùng với đó là cảm giác sợ hãi khi phải thỏa hiệp với mong muốn của người khác, dù chúng có thể vô cùng kinh khiếp.

Christian Bale đã hóa thân trọn vẹn thành một kẻ tâm thần rất khó tránh khỏi những phản ứng trái chiều. Tuy nhiên, khi viết vài dòng về bộ phim, nhà phê bình Tasha Robinson đã cho rằng Bateman là một hình mẫu có thể thấu hiểu được, và đây là một quan điểm mà người viết tin rằng vẫn còn sức nặng cho đến ngày nay.

Cụ thể, cô ấy viết: “Anh ta có thể mờ nhạt, hiểm ác và cuồng nộ, nhưng sâu thẳm nơi con người ấy, vẫn có chút nhân tính sót lại. Đó là thứ đã giúp anh ta rủ lòng thương với Jean khi 2 người ở bên nhau, và cũng là thứ khiến anh ta trở nên sợ hãi và lúng túng, khi một người đồng nghiệp tưởng nhầm rằng kế hoạch chết người của anh ta chỉ là hành động yêu đương.”

Đó là ý kiến mà không phải ai cũng tán thành. Tuy vậy, vẫn có một vài khoảnh khắc thương tâm trong phim nhắc nhớ khán giả rằng Patrick Bateman không phải kẻ chủ đích, mà đơn giản chỉ là “con giun xéo lắm cũng quằn” khi phải cân bằng sự hỗn loạn trong cuộc đời mà thôi. Đó cũng là một phần lý do cho thấy gã là một kẻ phản diện rất giàu chiều sâu.

LỚP MẶT NẠ THÔNG TUỆ:

Khi Patrick Bateman lún sâu vào cơn cuồng điên, những hành động và bản chất cốt yếu của gã lại bị đặt vào dấu hỏi. Patrick Bateman là ai? Gã đại diện cho điều gì? Liệu gã có tự thêu dệt nên những vụ ám sát? Lằn ranh mơ hồ giữ thực tại và ảo mộng trong American Psycho đã mang đến một thông điệp cốt lõi, rằng chỗ đứng của Bateman không có nghĩa lý gì trong xã hội, và điều này có thể áp dụng lên tất cả những nhân vật khác trong phim. Họ đều tồn tại một cách trống rỗng, từ đó thể hiện quan điểm của phim về một thế giới mà con người bị tách biệt khỏi thực tại. Kể cả khi Bateman có tự giới thiệu gã là một người bình thường, thì tâm lý điên loạn vẫn sẽ đong đưa ngay trên đầu gã và chỉ chực chờ để nổ tung, làm tan biến hết mọi rào cản giữa thực tế và mơ tưởng.

Xem thêm  Phim Joker chính thức vượt mốc doanh thu 1 tỷ đô trên toàn cầu

Trong giai đoạn cao trào của rất nhiều phim kinh dị, những kẻ ác sẽ phơi bày hết ý nghĩa của chúng, nhưng trong American Psycho, chẳng có gì để khám phá cả. Khán giả đã biết hết về bí mật đen tối của Bateman, nên khi lớp “mặt nạ thông tuệ” của gã bị lột bỏ, chúng ta cũng sẽ trải qua nỗi sợ lao lý cùng Patrick Bateman, như thể đôi tay chúng ta cũng từng nhúng chàm như gã. Trên thực tế, có rất nhiều phim khác khơi gợi từ khán giả cảm giác đồng cảm với kẻ phản diện, tiêu biểu như The Silence of The Lambs, nhưng Mỹ điên khác hẳn với những tác phẩm đương đại đó, khi nó hạn chế cung cấp cho người xem bức tranh toàn cảnh về Patrick Bateman. Thay vào đó, bộ phim sử dụng nhân vật để châm biếm lòng tham không đáy và văn hóa tập thể.

Điều này dấy lên một thắc mắc, rằng có phải chất kinh dị của American Psycho nằm ở cách mà xã hội trở nên ích kỷ? Patrick Bateman liệu có phải chỉ là con tốt trong bàn cờ khủng bố rộng lớn? Điều tuyệt vời ở màn hóa thân của Christian Bale, đó là anh đã thành công trong việc khơi gợi quá nhiều thắc mắc, nhưng vẫn không đánh mất chất gây sợ. Tất cả những yếu tố đó, cùng với tính cách yuppie thứ thiệt, đã biến Patrick Bateman trở thành một kẻ phản diện riêng biệt, một thế lực mang tính cách mạng trong dòng chảy kinh dị.

KẾT LUẬN:

Patrick Bateman là một con quái vật đúng nghĩa đầy mới mẻ với khán giả đương đại. Gã giấu thân thế quái vật dưới lớp áo doanh nhân, lạc lối giữa khoảng không của chủ nghĩa tiêu thụ. Người xem không cần phải hiểu gã, vì chính gã còn chẳng hiểu nổi bản thân mình. Gã là một kẻ thủ ác cứ tồn tại vậy thôi.

Tóm lại, chất kinh dị của Patrick Bateman nằm ở sự nghiện ngập, thác loạn, tự luyến và cả lòng tham.

Sau cùng, pha thêm một liều hài hước, Patrick Bateman là một món ăn tinh thần đến nay vẫn còn đậm vị trong địa hạt mang tên “văn hóa đại chúng” của loài người.

Lược dịch: Phê Phim Nguồn: The Madness Of Patrick Bateman: How AMERICAN PSYCHO Redefined The Horror Villain của cây viết Liam Springate-Jones trên Film Inquiry.

Các quan điểm và ý kiến ​​được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và KHÔNG ĐƯỢC XEM LÀ LỜI KHUYÊN ĐẦU TƯ. Đầu tư vào hoặc giao dịch tiền điện tử đi kèm với rủi ro mất mát tài chính. Theo dõi Ragus để được cập nhật thông tin nhanh chóng. Fanpage Group Telegram Twitter Youtube

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *