Giải mã thành công series phim Money Heist (La Casa de Papel) phi vụ triệu đô

“Money Heist” với tựa gốc là La Casa de Papel đã được coi là series không nói tiếng Anh thành công nhất trên Netflix, với 44 triệu lượt xem mùa phim thứ 3 chỉ sau 4 tuần ra mắt. Bộ phim cũng nhận đề cử tại nhiều lễ trao giải truyền hình và giành chiến thắng tại lễ trao giải Emmy Quốc tế cho series chính kịch xuất sắc nhất năm 2018. Hiện tại, nhiều nguồn tin cho biết bộ phim sẽ có thêm cả phần 5 và một ngoại truyện.

Đây là bộ phim với đề tài tội phạm, kể về hành trình của một nhóm cướp, với kế hoạch tấn công thẳng vào xưởng in tiền hoàng gia Tây Ban Nha để đem về hơn 1 tỷ euro. Kế hoạch ít ai dám nghĩ tới ấy được vẽ ra bài bản và vận hành trơn tru bởi bộ óc thiên tài của El Profesor, hay Giáo sư.

Trong bài viết này, chúng mình sẽ lý giải sự thành công của “Money Heist, nhưng hé lộ rất ít chi tiết phim, nên kể cả bạn chưa xem “Money Heist” thì cũng không cần phải lo lắng đâu nhé!

Yếu tố đầu tiên khiến khán giả mê mệt “Money Heist” là phần kịch bản, có thể coi là “xương sống” của cả series với ý tưởng ít ai ngờ tới: TỰ IN TIỀN CHO MÌNH. Phần kịch bản được chau chuốt vô cùng tỉ mỉ, đa số các chi tiết trong phim đều là những mắt xích quan trọng của vụ cướp. Chính điều này là yếu tố khiến “Money Heist” cuốn hút ngày từ những phút đầu tiên, chỉ cần bỏ qua một tình tiết nhỏ cũng có thể khiến bạn chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra trên phim nữa.

Để đảm bảo cho tính logic và khoa học của kịch bản, đội ngũ biên kịch và đạo diễn không chỉ làm việc cùng nhau mà còn phải hợp tác với chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong phân cảnh Arturo bị bắn vào vai trong phần 1, các bác sĩ phẫu thuật cũng được mời vào tham gia đóng phim. Tất nhiên, vết thương của Arturo là GIẢ, nhưng các bác sĩ đã sử dụng kim khâu THẬT, khâu trực tiếp lên da của diễn viên để có được cảnh quay chân thực nhất. Hay như kế hoạch “nhấn chìm kho vàng” như trong phần 3, để đảm bảo không có kẽ hở nào khiến phim trở nên vô lí, ekip đã nhờ cố vấn quân sự giúp đỡ với một bản thiết kế tầng hầm chi tiết. Thậm chí, để biến vàng thỏi thành vàng quặng, họ không chỉ tham khảo ý kiến của các thợ kim hoàn, mà còn mời luôn các chuyên gia luyện kim tới làm diễn viên quần chúng.

Xem thêm  Review phim Sex Education 2: tại sao bạn nên xem series "giáo dục giới tính" này?

Không chỉ có kịch bản logic, “Money Heist” còn liên tục có những bất ngờ nối tiếp nhau. Mặc dù từng đường đi nước bước đã được Giáo sư chuẩn bị kỹ lưỡng và luôn có kế hoạch dự phòng, nhưng cũng thật khó để lường trước được toàn bộ kế hoạch của phía cảnh sát. Khác với những bộ phim tội phạm thông thường, cảnh sát trong “Money Heist” không hề vô dụng, đặc biệt là nhân vật Raquel trong 2 phần phim đầu. Những đòn cân não nảy lửa giữa hai phe, đôi khi có cả phe thứ ba là các con tin, chính là điều làm nên tính khó đoán của phim. Điều này cũng khiến mọi nhân vật đều có thể trở thành nạn nhân, bất kể họ theo phe nào, và kể cả siêu trí tuệ của Giáo sư cũng có lúc bị lừa.

Nếu phần kịch bản là xương sống của toàn bộ series, thì các nhân vật trong phim sẽ là trái tim của “Money Heist”. Nghệ thuật xây dựng nhân vật của “Money Heist” đã khiến người xem khi thì phải ngả mũ thán phục trước siêu trí tuệ của giáo sư, lúc thì bực mình đến phẫn nộ với những hành động phá game của đồng đội, khi lại đau đớn nhìn một nhân vật siêu ngầu phải hy sinh. Sở dĩ, để có thể “chơi” được với cảm xúc của khán giả, đội ngũ biên kịch và đạo diễn của phim đã phải dày công xây dựng cho từng nhân vật có một câu chuyện riêng, rõ ràng từ quá khứ đến hiện tại.

Trên thực tế, người ta rất dễ dàng đồng cảm với những người yếu thế, mà các nhân vật trong băng cướp này đều có quá khứ không mấy tươi đẹp. Đó là chưa kể tới việc, mỗi nhân vật trong băng cướp đều là một tính cách điển hình: Giáo sư thông minh nhưng nhút nhát hướng nội; Tokyo thẳng thắn, dữ dội và bốc đồng; Berlin đầy kiêu hãnh, quyết đoán và tàn bạo v.v… Tất cả những con người ấy, những phẩm chất ấy là thứ mà người xem nào cũng ít nhiều sẽ cảm thấy mình ở trong đó.

Xem thêm  Phim Da 5 Bloods về chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Spike Lee sẽ chiếu trên Netflix

Và tất nhiên, những nhân vật ấy cũng là con người. Vậy nên, dù mỗi người đều có thể coi là chuyên gia trong lĩnh vực của mình, thì họ vẫn có những điểm yếu, những sai sót và những hành động ngu ngốc. Đây chính là lý do khiến những quy tắc ban đầu mà Giáo sư đặt ra cho cả nhóm, như không được giết người, không được để lộ danh tính, hay không được yêu nhau, đều có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào. Một khi ai đó nông nổi phá vỡ quy tắc thì thì kế hoạch của họ phải đứng trước nguy cơ phá sản. Chính sự khó chịu mỗi lần kế hoạch chung gặp nguy hiểm lại là động lực để khán giả sẵn sàng ngồi xem phim hàng giờ liền để biết được họ sẽ vượt qua những khó khăn này như thế nào, và kết quả cuối cùng của vụ cướp sẽ ra sao.

Hơn nữa, không chỉ mỗi nhân vật đem tới những tâm trạng riêng cho khán giả, mà tổng thể trải nghiệm cảm xúc mà “Money Heist” cũng vô cùng đặc biệt. Bộ phim là sự kết hợp cực kỳ hài hoà giữa thể loại phim hành động, giật gân, và phim tình cảm. Năng lượng mà bộ phim toả ra lúc nào cũng căng tràn như chính vũ điệu Flamenco của Tây Ban Nha vậy! Chính nguồn năng lượng vốn nằm trong máu người Tây Ban Nha ấy đã tạo ra những phân cảnh đầy cảm xúc, dù trong cảnh hành động căng thẳng đẫm máu, hay những cảnh hôn nhau mãnh liệt đầy đam mê. À, bản thân ngôn ngữ Tây Ban Nha cũng tạo ra nhịp điệu khá quyến rũ đấy chứ?

Như đã nói ban đầu, tầm ảnh hưởng của “Money Heist” khi về tay Netflix không hề dừng lại ở phạm vi màn ảnh nhỏ, mà đã tạo ra những hiệu ứng ngoài đời thật. Bộ trang phục đỏ cùng chiếc mặt nạ đã trở thành biểu tượng của “chủ nghĩa anh hùng” như “Robin Hood thời hiện đại”, truyền động lực cho những người muốn đứng lên giành chiến thắng. Ca khúc Bella Ciao vốn là bài hát được sử dụng bởi phe kháng chiến chống Phát xít tại Ý từ những năm 40 của thế kỷ trước, nay lại được hồi sinh bởi “Money Heist”, khi tác giả Javier Gómez Santander nhận ra lời và giai điệu bài hát có thể đại diện cho tinh thần mà bộ phim muốn truyền tải. Năm 2018, bài hát này đã trở thành hiện tượng tại Châu u, cùng thời điểm “Money Heist” nhận được lượt xem kỷ lục trên Netflix.

Xem thêm  H&M bổ nhiệm nữ tổng giám đốc đầu tiên, người phụ nữ này là ai?

Mặc dù biểu tượng mà “Money Heist” đem tới là sự dũng cảm và đoàn kết, và thông điệp mà nhóm làm phim muốn gửi đi là tích cực, nhưng không thể bỏ qua sự thật rằng nó cũng tạo ra những hiệu ứng tiêu cực trong xã hội. Thực tế, đã có nhiều băng cướp ngoài đời thật mặc bộ trang phục và đeo mặt nạ của “Money Heist”, thậm chí là cố sao chép kế hoạch trong phim. MV của ca khúc Despacito sau khi bị tin tặc hack đã được đổi hình đại diện thành chiếc mặt nạ trong phim. Tờ El Mundo đã gọi hiện tượng tiêu cực mà “Money Heist” tạo ra là “bầu không khí bất mãn toàn cầu”, khi những tên cướp đã tìm ra được một mặt nạ hoàn hảo cho kẻ phản anh hùng. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại về tình trạng bạo loạn ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở một số nước châu u và khu vực Mỹ La tinh. Mong rằng những biểu hiện tiêu cực kể trên liên quan tới “Money Heist” cũng chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, bởi chúng mình tin rằng, đa số chúng ta vẫn phân biệt được đâu là phim ảnh và đâu là đời thật.

Theo Phê phim

Các quan điểm và ý kiến ​​được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và KHÔNG ĐƯỢC XEM LÀ LỜI KHUYÊN ĐẦU TƯ. Đầu tư vào hoặc giao dịch tiền điện tử đi kèm với rủi ro mất mát tài chính. Theo dõi Ragus để được cập nhật thông tin nhanh chóng. Fanpage Group Telegram Twitter Youtube

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *