Facebook đổi tên Meta, sẽ ảnh hưởng gì đến trải nghiệm của chúng ta?

Vào thứ Năm (28/10/2021), công ty mẹ Facebook chính thức đổi tên thành Meta. Tên gọi các nền tảng của họ là Facebook, Messenger, Instagram… vẫn giữ nguyên. Sự thay tên đổi họ thể hiện tầm nhìn phát triển mới của CEO Mark và tập đoàn, và điều này sẽ ảnh hưởng gì đến trải nghiệm và cách thức giao tiếp của người dùng trong tương lai?

CEO Facebook – Mark Zuckerberg tuyên bố trong sự kiện Oculus Connect của công ty: “Từ bây giờ, chúng tôi là metaverse, không chỉ là Facebook. Thời gian tới, bạn sẽ không cần sử dụng Facebook để sử dụng các dịch vụ của chúng tôi”. Và cũng theo sự kiện này, công ty mẹ Facebook cũng bắt đầu tung ra mã cổ phiếu MVRS vào ngày 1/12/2021.

Metaverse là gì mà Mark quyết tâm theo đuổi?

Metaverse (Đa vũ trụ ảo) lần đầu tiên được biết đến qua Snow Crash, cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng được phát hành vào năm 1992 của nhà văn người Mỹ Neal Stephenson. Hoá ra thuật ngữ này còn được biết đến trước cả thời đại của internet chứ nói gì đến mạng xã hội. Metaverse là sự kết hợp giữa tiền tố “meta-” (= beyond: vượt ra ngoài) và hậu tố “-verse” (trong Universe: vũ trụ/Multiverse: đa vũ trụ).

Quay lại vấn đề hiện nay, metaverse cho phép người dùng thật sự tương tác và hoà mình trải nghiệm hơn cách chúng ta tương tác với các trang web truyền thống như từ trước đế nay. Đó là một thế giới ảo, nơi mà thế giới vật lý và thế giới kỹ thuật số giao thoa. Đó là không gian nơi những đại diện kỹ thuật số của con người – các Avatar – tương tác làm việc và giải trí, gặp gỡ tại văn phòng, đi chơi, đi xem phim hay hoà nhạc, hay thậm chí là rủ nhau đi shopping…

Nói tóm lại, bạn có thể hình dung nó là một thế giới gần giống với những tựa phim Summer War (2009), Ready Player One (2018) hay Free Guy (2021)… nhưng dĩ nhiên là chỉ mới ở mức độ sơ khai chứ chưa đạt đến trình độ như phim ảnh.

Thế giới đa vũ trụ ảo hiện nay sẽ luôn đi kèm với VR (Virtual Reality: thực tế ảo) và AR (Augmented Reality: thực tế tăng cường) để mang lại trải nghiệm chân thật nhất. Đây là các thiết bị mà chúng ta (có lẽ) đã nghe nói đến hoặc đã trải nghiệm nhiều năm qua, thì giờ đây, trọng tâm tầm nhìn của Meta sẽ là nâng trải nghiệm người dùng với tối đa hoá công năng của các công nghệ này.

Facebook đã có hẳn một nền tảng để phục vụ cho metaverse của họ: Horizon Workrooms. Đây là một ứng dụng cho phép những người sử dụng bộ thiết bị Oculus VR (do Facebook phát triển) tiến vào một môi trường văn phòng ảo và hội họp với nhau. Tiếp theo đó, Meta sẽ dần ra mắt Horizon Home và Horizon Venues.

Mark Zuckerberg cũng từng chia sẻ về mục tiêu metaverse trước đây như sau: “Internet di động ngày nay đã có thể đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của mọi người từ lúc thức dậy đến khi đi ngủ. Vì vậy, tôi không nghĩ mục đích chính của metaverse là để mọi người tham gia vào Internet nhiều hơn, mà là cho phép mọi người tham gia vào Internet một cách tự nhiên hơn”.

Xem thêm  Facebook xây dụng hệ thống cáp internet có chiều dài bằng chu vi Trái Đất

Từ Facebook đến Meta, nội bộ tập đoàn thay đổi ra sao?

Vào hồi tháng 7, Mark đã công bố tham vọng biến Facebook trở thành một công ty đa vũ trụ ảo (metaverse company). Và trong tuần trước khi đổi tên, công ty cũng thông báo kế hoạch tuyển dụng 10,000 người khắp châu Âu để cho quá trình xây dựng dự án này.

Mặc dù đã có những báo cáo nói rằng công ty sẽ tiến hành những cải tổ lớn trong nội bộ như Alphabet và Google. Bên cạnh đó, việc đổi tên cũng sẽ tạo ra những căng thẳng nhất định. Chẳng hạn như những nhân viên Facebook giờ đây sẽ được “gắn tag” với Meta, và liệu cái tên mới này có đủ sức nặng như thương hiệu Facebook? Hay như việc tuyển dụng them 10,000 nhân sự của châu Âu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lực lượng lao động tại Mỹ?… Nhưng theo Facebook, công ty quả quyết rằng “hệ thống cấu trúc trong tập đoàn sẽ không thay đổi”.

Các ứng dụng của Facebook trước giờ là Facebook, Whatsapp,

Instagram, Messenger, Horizon vẫn sẽ giữ nguyên tên gọi và được quản lý bởi Meta. Tương tự như Google của Alphabet. Bên cạnh đó, những báo cáo tài chính của tập đoàn giờ đây sẽ chia thành 2 mảng riêng biệt: Báo cáo của Reality Labs (phòng nghiên cứu thực tế) và Family of Apps (các ứng dụng của tập đoàn).

Thực sự thay đổi phát triển hay chiêu trò “tẩy trắng truyền thông”?
Sự kiện đổi tên công ty diễn ra trong thời điểm sóng gió nhất trong lịch sử phát triển của tập đoàn, liên quan đến “hồ sơ Facebook” – một kho tài liệu nội bộ được thu thập bởi nhân viên cũ. Đây đồng thời là cơ sở cho hàng chục báo cáo về những thất bại của công ty nhằm ngăn chặn làn sóng chống thông tin sai lệch, phân biệt chủng tộc, kích động sự thù hận và nhiều tác hại do nền tảng này gây ra.

Theo tờ Insider, các chuyên gia phân tích cho rằng đây chính là chiêu “một tên trúng hai nhạn”, vừa là một hướng phát triển trong tương lai và đồng thời là động thái “tẩy trắng và định hướng truyền thông” trước những bê bối gần đây. Theo họ, những chỉ trích vẫn sẽ còn nhưng chắc chắn người ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến metaverse (đa vũ trụ ảo), đó là một cái gì đó chưa rõ ràng và thú vị. Và con người thường bị thu hút và cảm thấy hào hứng với những thứ như vậy. Thực tế nhìn vào những gì diễn ra đã chứng minh phần nào sự thành công của Facebook (hay giờ là Meta nhỉ?).

Còn những người trong tech world và nắm bắt xu hướng tài chính tương lai thì cảm thấy rất hào hứng với dự án thay đổi này. Vì với họ, việc đẩy mạnh phát triển những nền tảng giao tiếp, giảo trí, thương mại ảo của tương lai mang lại nhiều cơ hội phát triển mới, đặc biệt là trong thời đại bùng nổ của những đồng tiền ảo và công nghệ blockchain.

Facebook đã chi bao nhiêu cho mục tiêu metaverse?

Hàng tỉ đô trong năm nay. Theo tờ The Guardian (28/10), Facebook đã đầu tư vào bộ phận Realitiy Labs (phòng thí nghiệm thực tế) 10 tỷ đô trích từ lợi nhuận trong năm 2021.

Đó là một số tiền rất lớn, nhưng không thành vấn đề với Facebook vì với những hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình là thu thập dữ liệu người dùng, tính phí quảng cáo trên các nền tảng khác nhau từ Facebook, Messenger, WhatsApp, Instagram thì công ty đã công ty đã thu về thu nhập ròng 29 tỉ đô (2020) từ 2,8 tỉ người dùng hàng ngày.

Xem thêm  Cosmos (ATOM) đạt được cột mốc 1 triệu giao dịch trên IBC trong 1 tháng

Cụ thể thì Meta sẽ tập trung vào những cộng nghệ gì trong việc thay đổi cách chúng ta tương tác trong tương lai?

Nick Clegg, Phó chủ tịch Ngoại vụ Toàn cầu của Facebook, chia sẻ rằng cần ít nhất 10 năm để xây dựng thành công metaverse, và trước mắt vẫn chưa thể nói trước được điều gì. Dù vậy, nhìn vào hướng phát triển và đầu tư của Meta hiện tại và tương lai gần, ta có thể thấy được tập đoàn sẽ tập trung mạnh vào những công nghệ cũng như các thói quen trải nghiệm của người dùng như sau:

1 – Metaverse của Meta là một “bản lai” (hybrid) của những trải nghiệm trên mạng xã hội ngày nay, với nâng cấp là có thể phóng hiếu hình ảnh 3 chiều từ thế giới ảo sang thế giới vật chất.

Meta chia sẻ: “Mang lại những trải nghiệm phong phú với những người khác ngay cả khi không ở cùng một địa điểm, hay co thể cùng nhau làm một việc gì đó mà chúng ta không thể làm trong thế giới vật chất. Chúng ta đang ở bước đầu tiên của chương tiếp theo của kỷ nguyên internet”. Hay như Mark Zuckerberg nói rằng nền tảng mạng xã hội mới nay sẽ khiến chúng ta “nhập vai hơn”.

2- Phóng chiếu hình ảnh 3 chiều: Đây là một thuật ngữ quen thuộc với những tựa phim và game viễn tưởng như Star Wars, Star Trek, Iron Man… Đó là “Hologram”.

Mark nói rằng Meta sẽ là nơi tạo ra một không gian mang đến các khả năng vô tận trong việc tương tác, nhiều vật thể vật lý dần trở nên không cần thiết và sẽ trở thành hình ảnh 3 chiều trong tương lai. Chẳng hạn như TV, không gian bàn làm việc, màn hình máy tính, bàn chơi cờ… thay vì là những thứ linh kiện vật lý được lắp ghép, giờ sẽ trở thành hình ảnh 3 chiều.

Dĩ nhiên để đạt được điều này phải đòi hỏi một cơ sở hạ tầng mới tiên tiến như kính thực tế tăng cường (AR glass – augmented reality glasses), trải nghiệm thực tế ảo (VR experiences – virtual reality experiences), hay các loại màn hình, máy chiếu mới chuyên dụng nằm trong chiến lược phát triển của Meta.

Facebook có kế hoạch bán các thiết bị này với mức giá hỗ trợ để tiếp cận với nhiều người hơn.

Mark chia sẻ: “Điều này không có nghĩa là khiến bạn dành nhiều thời gian hơn với những chiếc màn hình, mà khiến cho thời gian chúng ta bỏ ra có ý nghĩa hơn. Tôi hy vọng trong thập kỷ tới, metaverse sẽ tiếp cận được 1 tỷ người, lưu trữ hàng trăm tỷ đô la thương mai kỹ thuật số và hỗ trợ việc làm cho hàng triệu người làm sáng tạo và phát triển nội dung”.

3 – Công nghệ thực tế tăng cường (AR) sẽ được đẩy mạnh cải tiến để phục vụ cho nền tảng.

Meta đang đầu tư công nghệ cốt lõi cần thiết để mang một thiết bị kính AR đầy đủ tính năng ra thị trường, bao gồm đẩy mạnh đầu tư phòng thí nghiệm thực tế tang cường của họ – Spark AR.

Meta sẽ tạo ra một ứng dụng miễn phí trên iOs được hỗ trợ có tên là Polar. Ứng dụng này có thể tạo hiệu ứng AR cho video, theo dõi cơ thể thông qua People AR, nâng cao trải nghiệm tương tác nhóm trên Messenger và cả tạo ra những khoá đào tạo giúp trang bị cho khách hang, người dung những kỹ năng AR nâng cao nhuần nhuyễn.

Xem thêm  Apple ra mắt MacBook Pro 13" mới: Bàn phim Magic Keyboard, Intel thế hệ 10, giá bán từ 1.299 USD

Những nguy cơ tiềm ẩn nào từ metaverse?

Cũng như khi đánh giá khả năng thành công, vẫn chưa thể nói rõ ràng về những “mảng tối” của một bức tranh tương lai khi mà nó còn chưa thành hình. Tuy vậy, như hai mặt của một đồng xu, bên cạnh tiềm năng phát triển thì một sân chơi mới sẽ luôn là miếng bánh màu mỡ của những hành vi phạm tội. Đặc biệt là tại không gian kỹ thuật số, khi nền tảng pháp lý chưa theo kịp với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ.

Theo tờ The Guardian, những vấn đề chúng ta cần quan tâm chính là quyền riêng tư và tính bảo mật. Đây cũng luôn là vấn đề của những công ty công nghệ và thời đại kỹ thuật số.

Ví dụ, một nhà quảng cáo nhắm đến bạn là là khách hàng tiềm năng trong thế giới ảo, lúc này họ không chỉ biết đến tên tuổi hay giới tính của bạn mà còn có thể tiếp cận được đến với ngôn ngữ và hành vi cơ thể, những phản ứng sinh lý, hay tiếp cận được những người mà bạn tương tác cũng như cách thức tương tác… Đó là chưa kể đến rằng, bạn trở thành con mồi của những kẻ lừa đảo, tội phạm công nghệ hay thậm chí tệ hơn là là các tin tặc được các chính quyền hậu thuẫn sử dụng công nghệ quản lý người dân…

Mặc dù Facebook (hay giờ đây là Meta) vừa công bố một chương trình đầu tư 50 triệu đô để đảm bảo “metaverse của họ được xây dựng một cách có trách nhiệm”, nhưng với không gian mạng thì mọi nguy cơ (lẫn cơ hội) đều có có thể trở thành hiện thực.

Lời kết

Hãy nhìn những gì Facebook và Instagram đã tác động đến những khía cạnh cuộc sống và công việc của chúng ta. Có phải chúng đã trở thành một phần quan trọng đối với thế hệ Millennials và GenZ, những ngôi sao giải trí, những người làm việc trong lĩnhg vực sáng tạo nội dụng trên nền tảng số…?

Vậy hãy thử tưởng tượng thế giới của chúng ta sẽ còn thay đổi đến thế nào khi Meta thành công tạo nên một hệ sinh thái thực tế ảo, tăng trải nghiệm người dùng và thật sự xoá nhoà khoảng cách thực – ảo và thời – không, từ đó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người như những tựa phim viễn tưởng?

Mọi câu trả lời đều mang tính chất tham khảo và suy đoán, hãy để tương lai sẽ trả lời! Cũng giống như cách đây 2 thập kỷ, liệu có ai đoán định được cuộc sống và cách con người vận động như thế nào trong thời đại số với smartphone và social media?

Tham khảo thông tin: The Guardian, The Verge, Tech Insider, Business Insider, Hypebeast

Các quan điểm và ý kiến ​​được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và KHÔNG ĐƯỢC XEM LÀ LỜI KHUYÊN ĐẦU TƯ. Đầu tư vào hoặc giao dịch tiền điện tử đi kèm với rủi ro mất mát tài chính. Theo dõi Ragus để được cập nhật thông tin nhanh chóng. Fanpage Group Telegram Twitter Youtube

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *