EMPIRE 30: David Fincher chia sẻ về quá trình làm phim Fight Club, Seven, Gone Girl

Năm 2019, nhân dịp 30 năm thành lập, tờ Empire đã phỏng vấn một số nhà làm phim nổi tiếng, dựa trên loạt câu hỏi của chính người hâm mộ. Trong bài đăng này, một phần của bài phỏng vấn với đạo diễn David Fincher, người đứng sau những tác phẩm nổi tiếng như The Girl With The Dragon Tattoo, Fight Club, Seven, Gone Girl, hay mới đây nhất là show truyền hình Mindhunter.

Người hâm mộ: Điều gì làm ông thấy khó chịu nhất trên trường quay?

David Fincher: Tôi nghĩ đó là việc người ta không hiểu được những cuộc trò chuyện vặt vãnh, tình cờ sẽ làm mất tập trung đến thế nào. Khi ấy, người ta sẽ đi vào trạng thái “tạm dừng” hết, thay vì hoạt động. Với cả, khi có nhiều đúp quay, công việc lặp đi lặp lại, nên ở phía xa, bạn sẽ thấy nhiều người động vào Iphone của họ. Thế nên, thứ làm tôi khó chịu nhất – là Iphone trên trường quay.

Người hâm mộ: Nếu ông có thể làm lại bất cứ phim nào trong lịch sử, đó sẽ là gì?

David Fincher: Tôi chưa bao giờ nghĩ về chuyện đó cả. Ý là, có những phim khiến tôi cảm thấy kiểu: “Đó đã là ⅔ vĩ đại của một ý tưởng rồi, thế mà vẫn chưa thành công.” Phim của tôi không phải ngoại lệ.

Người hâm mộ: Đạo diễn nào đã truyền cảm hứng cho ông?

David Fincher: Nhiều lắm. Tiêu biểu là George Roy Hill, Alfred Hitchcock, Roman Polanski, Steven Spielberg, Alan Pakula và Bob Fosse. Tất cả những người vĩ đại. À, cả Hal Ashby nữa. Nói chung là mọi cái tên mà các bạn có thể đoán ra.

Người hâm mộ: Ông từng giao vai cho những gương mặt không nổi tiếng lắm, như Kristen Stewart, Jonathan Groff, hay Rooney Mara, để rồi sự nghiệp của họ lên như diều gặp gió. Ông tìm kiếm điều gì ở những diễn viên vậy?

David Fincher: Tôi tìm kiếm những người sẵn sàng làm việc. Tôi hứng thú với những người tò mò và ham thích thử thách. Cả 3 người anh vừa nói đều thể hiện như vậy đấy. Với Kristen Stewart, Panic Room mới là phim thứ 2 của cô ấy. Rooney thì tôi đã hợp tác trong 2 phim rồi (trong Social Network và The Girl With The Dragon Tattoo). Còn Jonathan, tôi từng vuột mất anh ấy (Vai Sean Parker trong The Social Network), nên tôi nghĩ: “Phải giữ anh ta cho kỳ được.”

The Social Network
The Girl With The Dragon Tattoo

Cơ mà, trong hầu hết trường hợp, tôi đều tìm những người thực sự muốn là một phần của đội ngũ, thực sự muốn làm cho ra trò. Ý tôi là, chắc chắn sẽ có những người được tuyển vì bạn biết là có thể nhận lại điều gì từ họ. Như này nhé: Tôi tuyển người này, vì anh ta có tố chất, khán giả cũng biết họ kỳ vọng những gì từ khả năng của anh ta. Dựa vào đó, tôi có thể đáp ứng nhu cầu của người xem, mà cũng có thể lật ngược sự mong chờ đó. Nhưng mà, tuyển những diễn viên trẻ cũng hay lắm đấy. Như trong Social Network, chúng tôi không chịu áp lực phải mời gọi dàn cast kiểu Ocean’s Eleven hay gì cả. Chúng tôi cứ thả phanh chiêu mộ những người thực sự muốn tham gia – họ là những gương mặt nhiệt huyết, non trẻ và bá đạo. Càng ở lâu trong nghề, tôi lại càng muốn được hợp tác với những người mà mình ủng hộ – những người mà tôi thật lòng muốn họ tiến xa. Với 3 cái tên kể trên, tôi đều có suy nghĩ như vậy cả.

Xem thêm  Nike Air Max 200 “Voltage Purple” - Mới lạ với chất liệu Denim đầy màu sắc

Người hâm mộ: Sau khi thực hiện một số dự án truyền hình như House of Cards hay Mindhunter, ông nghĩ phim điện ảnh nào của mình phù hợp để đưa lên màn ảnh nhỏ và vì sao?

David Fincher: ôi cho rằng Mindhunter là một phiên bản mở rộng về xung đột, cảnh quay mà tôi từng nghĩ đến với Zodiac. Khi cố gắng rút gọn những ý tưởng có thể phát triển thành một phim dài 5 tiếng nhưng vẫn hay, xuống còn có 2 tiếng 45 phút, chúng tôi không thể tránh khỏi việc đào quá sâu vào khía cạnh này, và quá nông ở khía cạnh kia.

Tiêu chuẩn của tôi là, nếu có thứ gì đó nặng tính kể chuyện, đó sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát triển phim điện ảnh. Còn nếu có thứ gì đó thiên về việc thấu hiểu con người, đào sâu vào những điểm mạnh yếu, hay tất cả hỉ nộ ái ố của họ, thì nó thuộc về truyền hình. Để xem nào… Chắc là Fight Club đấy. Tôi thấy nhân vật của Chuck Palahniuk rất giàu chiều sâu và đáng để khai thác. 80% của anh ấy đã đủ để làm một mini-series chất lượng rồi.

Người hâm mộ: Phong cách của ông mà làm phim James Bond thì hợp phải biết. Ông đã cân nhắc đến chuyện này chưa?

David Fincher: Có rồi chứ. Tôi có thảo luận xung quanh dự án Golden Eye. Nhưng câu trả lời là không, tôi không nghĩ mình sẽ phát triển ở môi trường ấy đâu.

Xem thêm  "Tà Năng Phan Dũng" - phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam về chủ đề sinh tồn

Người hâm mộ: Từ khi ông mới làm phim, người ta đã nghĩ ra khái niệm “Fincher-esque”. Điều này có bó buộc ông không, khi phải đáp ứng kỳ vọng của giới phê bình và người hâm mộ?

David Fincher: Cái gọi là “Fincher-esque” làm tôi hơi khó chịu thật. Tuy vậy, cũng thật tốt khi có gì đó khiến người ta phải chờ đợi, vì mình hoàn toàn có thể phá vỡ nó. Đối với những người đã xem Seven, Gone Girl có thể là thứ gì đó khá lạ lẫm, nhưng chẳng sao cả. Thực ra, cái viễn cảnh ấy lại tích cực ấy chứ. Phải mạnh dạn chơi đùa với kỳ vọng thôi. Trách nhiệm của bạn là nhận ra điều đó, và biến nó thành lợi thế của mình, thay vì để nó ngáng đường câu chuyện cần được truyền tải.

Người hâm mộ: Vì phim nào của ông cũng có chất hài hước đen tối, nên ông đã cân nhắc làm phim thuần gây cười bao giờ chưa?

David Fincher: Không, không, không có thuần hài hước gì cả nhé. Tôi nghĩ thế này: Khi đã làm phim lồng ghép rất nhiều… tính suy đồi, và đánh thẳng vào những vấn đề nổi cộm, thì bạn phải biết cách cân đối. Fight Club là một phim châm biếm, Gone Girl cũng vậy, nên chất hài hước của chúng không nhất thiết phải kiểu: “Hà ha há.” Cần gì phải nặn ra trò để cười đâu. Mà nếu đấy là ý của anh về phim hài đơn thuần, thì câu trả lời của tôi là không nhé. Ý tôi là, tôi rất muốn được đọc kịch bản của Being There, và làm những phim kiểu đó. Chắc Being There cũng thuộc dòng châm biếm. Nói thật, tôi thấy nhiều phim hài với những câu thoại sáo rỗng, chúng cứ thảo mai thế nào ấy.

Xem thêm  Kanye West chia sẻ kế hoạch sản xuất dòng Yeezy tại Mỹ

Người hâm mộ: Đặc vụ Holden Ford, nhân vật của Jonathan Groff trong Mindhunter – có hơi hơi đểu. Làm show xoay quanh một nhân vật rắc rối có phải thách thức với ông không?

David Fincher: Anh ta có đểu không nhỉ? Thi thoảng cũng có một chút đấy, nhưng tôi hoàn toàn hiểu được điều đó, khi anh ta muốn tự vệ, hay khi anh ta tỏ ra ngạo mạn. Chúng tôi quen với điều đó rồi. Nhưng tôi vẫn không nghĩ anh ta là một gã đểu, Holden non nớt thì đúng hơn. Bản chất của anh ta không phải rắc rối, chỉ là do hoàn cảnh thôi. Nhưng cũng có lúc anh ta ăn nói mạch lạc, dứt khoát và truyền lửa để người khác thay đổi đấy chứ. Thế nên, tôi nghĩ tuy anh ta không phải một mẫu anh hùng, nhưng là một nhân vật cuốn hút và thú vị để theo dõi.

Người hâm mộ: Chúng tôi có thể được xem phim MCU hay Star Wars gắn mác David Fincher không??

David Fincher: Ừ nhỉ. Có được không ta?

Lược dịch: Phê Phim – Nguồn bài viết: Empire30

Các quan điểm và ý kiến ​​được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và KHÔNG ĐƯỢC XEM LÀ LỜI KHUYÊN ĐẦU TƯ. Đầu tư vào hoặc giao dịch tiền điện tử đi kèm với rủi ro mất mát tài chính. Theo dõi Ragus để được cập nhật thông tin nhanh chóng. Fanpage Group Telegram Twitter Youtube

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *