Disney+, Netflix Và Diện Mạo Mới Của Truyền Hình

Khi các ông lớn thi nhau “chạy đua vũ trang”…

Vào ngày 12/9/2019, Disney+, nền tảng chiếu phim trực tuyến rất được mong chờ, đã chính thức đi vào hoạt động với hơn 100 bộ phim độc quyền, bao gồm chuỗi bom tấn Star Wars, vũ trụ điện ảnh Marvel, và gần như tất cả các phim của studio Pixar. Theo dự kiến, đến cuối năm 2019, dịch vụ có giá 6.99 Đô/tháng này sẽ phân phối gần 500 phim điện ảnh và hơn 7000 tập phim truyền hinh.

Disney đang tìm cách dìm chết Netflix, hoặc ít nhất giáng một đòn mạnh vào vị thế của công ty này. Gương mặt vàng trong làng chiếu phim trực tuyến vốn đã cung cấp cho khách hàng sản phẩm hấp dẫn, đó là những nội dung truyền hình chất lượng, đậm chất thương hiệu nhưng lại vô cùng tiết kiệm. Theo thông tin từ Quartz, chỉ trong năm 2018, Netflix đã mang tới cho khán giả hơn 1500 show truyền hình, hơn 4000 phim điện ảnh, trong đó gần 1500 giờ là nội dung mà công ty này trực tiếp sản xuất.

Những chuyên viên phân tích thị trường vẫn đang theo dõi xem liệu người dùng có bỏ Netflix để chạy theo Disney+ hay không. Nhưng, vấn đề không phải chỉ nằm ở cuộc đụng độ giữa 2 con quái vật này. Cho đến hiện tại, Amazon Prime cũng đã phân phối tới khoảng 18,000 bộ phim (Số liệu từ 2016). Song, Disney+ lại bắt tay với Hulu và ESPN để vừa đem tới những nội dung phù hợp với trẻ em, vừa phân phối những hình thức giải trí chỉ dành cho người trưởng thành. Mặt khác, đến tháng 5/2020, WarnerMedia cũng cho ra lò nền tảng HBO Max, với tổng thời lượng nội dung lên đến 10,000 giờ. Ngoài ra, NBCUniversal cũng rục rịch để đưa Peacock vào hoạt động, với hơn 15,000 giờ nội dung, bao gồm bản làm lại của series đình đám Battlestar Galactica.

Battlestar Galactica (Bản 2004)

Nếu những con số trên làm bạn phải đứng hình, thì cứ bình tĩnh, vì chúng ta còn chưa nói đến chuyện giá cả. Tất cả những nền tảng kể trên đều có mức giá phải chăng, nếu so sánh với truyền hình cáp. Apple TV+ là rẻ nhất, với 4.99 Đô/ tháng, trong khi nền tảng “đốt tiền” nhất là HBO Max, cũng chỉ đòi hỏi từ khách hàng 15 Đô/tháng. Nhưng đằng sau khoản tiền khiêm tốn đó, những hình thức giải trí này đã tiêu tốn tới hàng tỷ Đô la. Cựu CEO của Disney, ông Bob Iger, đã đầu tư hơn 2.6 tỷ Đô chỉ để xây dựng công nghệ cho Disney+; không dừng lại ở đó, công ty mẹ còn sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lên tới gần 1 tỷ Đô để thiết kế nội dung cho Disney+ trong năm nay. Ở chiều hướng tương tự, Apple TV+ được cho là đã tiêu tốn gần 1 tỷ USD, và con số này có thể lên tới hơn 6 tỷ chỉ để phát triển 10 show truyền hình khác nhau. Thêm vào đó, AT&T đã báo cáo với các nhà đầu tư rằng HBO Max sẽ “ngốn” tới gần 2 tỷ Đô.

Song, những nhà đầu tư sẽ không đến mức “ném tiền qua cửa sổ”. Một vài show truyền hình sitcom quen thuộc và dễ xem lại như Friends hay Seinfeld đã trở thành gà đẻ trứng vàng cho các nhà phát hành. Chính vì vậy, NBCUniversal đã chi hơn 500 triệu Đô để kéo The Office về từ Netflix vào năm 2021, còn WarnerMedia được cho là đã bỏ ra khoản tiền tương tự để sở hữu Friends từ Netflix. Ngoài ra, công ty này còn “chiếm” luôn cả show The Big Bang Theory trong vòng 5 năm, sau khi ký kết bản hợp đồng có giá trị lên tới tỷ Đô.

Dàn nhân vật trong Friends (1994 – 2004)

Đây chính là kinh tế sức chú ý, và là dấu hiệu cho thấy khách hàng có thể sinh lời đến thế nào. Những tập đoàn truyền thông đang tiêu tốn tới hàng tỷ Đô chỉ để nắm đằng chuôi trong việc cung cấp những nội dung “giá rẻ” mà bạn khó lòng bỏ qua – và đó là vòng lặp đến vô tận.

Cả một nền sinh thái sẽ thay đổi

Khoảng 1 thập kỷ trước, truyền hình trực tuyến là một khái niệm rất xa xỉ, nhưng hình thức phát sóng trực tiếp – như bản tin, nội dung sốt dẻo, thì không phải như vậy. Truyền hình thì không chỉ chiếu những show giải trí, mà còn là những quảng cáo gián đoạn, những bản tin khô khan, và đôi khi còn gặp vấn đề.

Khi Netflix lâm trận, họ đã đấm thẳng vào lỗ hổng của truyền hình cổ điển, khi biến việc phát sóng trực tuyến trở thành một hầm mỏ về nội dung. Và như vậy, khán giả sẽ được quyền chọn tài nguyên mà họ yêu thích vào bất cứ thời điểm nào mà không lo bị ngắt quãng.

Hiện tại, có đến hơn nửa tá nền tảng mang đến cho khách hàng quyền lợi tương tự, nhưng những mỏ nội dung lại không hề giống nhau, và khách hàng phải trả những khoản phí dao động cho mỗi loại dịch vụ. Truyền hình cổ điển từng là thói quen khó bỏ của một số người, nhưng giờ đây, nó chỉ còn là hình tượng văn hóa đại chúng làm thỏa chí tò mò của một thế hệ thanh niên. Theo đà phát triển của nội dung và thời đại, TV đã thay da đổi thịt rất nhiều – tên thì vẫn vậy, nhưng bên trong thì lại là một con “quái thú” khác. Bây giờ, người ta không còn “xem cái gì đang chiếu” nữa, thay vào đó là “tìm kiếm những nội dung mất phí”. Giống như Keith Phillips từng lên tiếng trên TV Guide, những ngày phải “vật vã vì nội dung yêu thích” đã qua rồi.

Xem thêm  SERIES MỚI CỦA NETFLIX BỊ CHỈ TRÍCH VÌ CÓ NHIỀU CẢNH SEX THỪA THÃI

Năm 1967, học giả truyền thông Marshall McLuhan viết:

Bất kể phương thức tiếp theo có là gì, nó cũng sẽ biến TV thành một kiểu nội dung, chứ không còn là môi trường nữa, và truyền hình sẽ trở thành một dạng thức nghệ thuật.

Marshall McLuhan

Ngay từ kỷ nguyên vàng của truyền hình, những chương trình của HBO đã dự báo cho hình thức nghệ thuật hoàn toàn mới trên TV, thể hiện ở điều khoản đăng ký khá giống với các nền tảng chiếu phim ngày nay. Tuy nhiên, những dịch vụ hiện tại khác trước rất nhiều: Không có quảng cáo, văng tục như chém chả, và chi phí thành viên “khiếm tốn” hơn, dễ nhận ra hơn. Khi Internet ngày càng mở rộng phạm vi phủ sóng, cũng là lúc những dịch vụ chiếu phim trực tuyến liên tục sinh sôi, và quan trọng hơn cả, là McLuhan như một nhà sấm truyền vậy. Vì bây giờ, TV chỉ là một lựa chọn trong vô vàn các nội dung khác, như chương trình dài tập, chương trình trực tiếp, hình động, meme,… Và người ta có thể tiếp cận chúng ở bất cứ đâu, trên máy tính, trên một chiếc TV khác, và đương nhiên là cả điện thoại di động.

edf

Khi chứng kiến độ phổ cập của những nền tảng này, có cảm giác như thể điện thoại cũng chính là một phương thức truyền hình mới, giống như nhận định của McLuhan. Thậm chí, những công ty sản xuất smartphone còn phối hợp với những dịch vụ chiếu phim nổi bật để cung cấp những gói tiện ích cho người dùng. Chiến lược này không chỉ thu hút khách hàng giữa một biển thương hiệu di động ngoài kia, mà còn giữ chân họ sử dụng sản phẩm, chừng nào hợp đồng còn có hiệu lực. Nếu bạn mua một chiếc Iphone (hoặc bất cứ thiết bị nào của nhà Táo, bạn sẽ có một năm truy cập Apple TV+ miễn phí. Nếu bạn là khách hàng của AT&T, bạn cũng sẽ được xem HBO Max mà không phải rút ví (Cũng dễ hiểu thôi, vì HBO Max vốn là công ty con của AT&T). Ngoài ra, T-Mobile cũng sẽ cung cấp dịch vụ của Amazon Prime Video cho các “thượng đế”, còn Disney+ cũng đã bắt tay với Verizon trong lĩnh vực này.

Không ngoa khi nói đây là cuộc hợp tác mà đôi bên cùng có lợi. Bên bán hàng thì có cơ hội để sinh thêm lời, còn những dịch vụ chiếu phim lại tăng được lượng người đăng ký. Về mặt khách hàng, họ sẽ được sở hữu một chiếc xế yêu sang chảnh, một núi phim miễn phí để xem cho vui.

Mặt khác, các thượng đế lại bị ràng buộc bởi một hợp đồng khá là bối rối, khi nhà cung cấp có thể che giấu những giá cả phát sinh, trí trá với định nghĩa “không giới hạn”, và thậm chí đặt dữ liệu người dùng vào trạng thái báo động.

Với những người thích tiêu hoang, sinh ra đã ở vạch đích, hoặc là fan rất cuồng, đào hết các mỏ nội dung không phải chuyện trên trời, vì họ có thể đăng ký đi đăng ký lại, mua sắm triền miên, thậm chí là tạo ra nội dung lậu. Nhưng đương nhiên, đăng ký minh bạch với công ty phân phối vẫn là lựa chọn an toàn hơn, có thể là qua hợp đồng điện thoại của bạn chẳng hạn, rồi tha hồ tận hưởng qua năm tháng.

Nghe có vẻ tự do và thoải mái, nhưng thật ra vấn đề không nằm ở đó. Khách hàng của HBO Max có gu xem phim khác với khách của Disney+, tệp Disney+ cũng có sở thích khác với tệp Netflix, vậy, thử nghĩ xem 10, rồi 20 năm nữa mọi chuyện sẽ thành ra như thế nào? Làm sao cùng nhau nói chuyện về truyền hình nữa, khi nội dung mà người này tiếp cận, sẽ chẳng có điểm chung nào với nội dung của người kia?

Truyền hình thay da đổi thịt
Nửa cuối năm ngoái, giới truyền thông giải trí đã được một phen dậy sóng, về việc báu vật lợi nhuận của Disney – vũ trụ điện ảnh Marvel đã làm gì với nền điện ảnh. Giới làm phim kỳ cựu thì đương nhiên là không cảm được chiến lược franchise cặn kẽ và toan tính của Disney; nhưng khi đích thân Martin Scorsese nói ra quan điểm của mình, thì dân mạng lại nổi đóa rần rần.

Trong câu chuyện này, thật ra Scorsese không hề cho rằng phim Marvel là “phim”. (Ông dùng cụm từ “Hình thức giải trí toàn cầu thông qua hình ảnh và âm thanh”) Nó có vẻ không đúng với điện ảnh lắm, nhưng dùng để tả truyền hình thì hoàn toàn phù hợp. Thực chất, ý tưởng này không hề mới. Những nhà phê bình truyền hình đã tranh cãi từ rất lâu, rằng những phim siêu anh hùng của Marvel chỉ là sản phẩm truyền hình cải trang. Phim của công ty này bị vũ trụ hóa, hình ảnh thiếu hấp dẫn, câu chuyện thì dễ dãi, và chất chứa những tình tiết với độ rủi ro cực thấp, như là hai phe đối đầu, hoặc là người ta chim chuột nhau. Đây là tất cả những yếu tố làm nên một chương trình truyền hình đơn thuần, bởi chúng rất dễ xem và dễ cảm, dù cho có dễ đoán đến thế nào đi chăng nữa. Trong một bài viết cho tờ New York Times, Scorsese đã tỏ ra quan ngại thấy rõ về việc khán giả xem phim qua nền tảng trực tuyến, hoặc là “tậu” chúng về từ Itunes.

Họ xem phim ở mọi nơi, ngoại trừ rạp chiếu, mà đó mới là nơi mà những nhà làm phim thật sự hướng đến.

Martin Scorsese

Điện ảnh thực thụ cần một không gian vừa thoáng đãng và không có ánh đèn, một màn bạc thật lớn, và ít nhất 1 tiếng rảnh rang. Trong khi đó, TV, một hình thức giải trí ăn liền, thương mại, lại chẳng đòi hỏi gì cả. Nó có thể xuất hiện ở giữa một sân bay, len lỏi trong những thanh âm hỗn tạp của quán bar, hoặc là ngay trong chiếc điện thoại của tay hàng xóm đang xem phim mà không thèm đeo tai nghe gần nhà bạn. Giờ đây, màn hình TV đã được bó hẹp tới mức vừa với căn bếp, thậm chí có thể thu mình nhỏ gọn, trôi nổi trên một góc màn hình máy tính của chính bạn.

Xem thêm  Phim Những người bạn-Friends tập đặc biệt tái hợp của 6 diễn viên sẽ quay vào mùa Hè này

Dù sao thì chúng ta vẫn sẽ đến rạp thôi, nhưng không thể bỏ mong muốn được tiếp cận với các chương trình truyền hình. Vì kể cả khi những phim màn ảnh nhỏ là mồi câu giải thưởng, thì thâm tâm khán giả vẫn mong nó dễ xem, để có thể đáp ứng hầu hết (nếu không muốn nói là tất cả) nhu cầu của họ. Không biết có nên cười đoạn này không nhỉ? Được rồi, đây là một tràng cười nhé. Ủa, trước khi có đoạn quảng cáo chết dẫm này thì người ta chiếu gì nhỉ? Không sao, có một đoạn quay lại cực chi tiết đây. Hầu hết các chương trình truyền hình đều được xây dựng trên một nền móng, rằng khán giả không quá để tâm, thế nên mới có những tiếng chuông và huýt sáo rối rít trên bản tin, show truyền hình lặp đi lặp lại đến nhẵn mặt, và những chương trình với cốt truyện đã trở thành công thức. Nếu truyền hình đã đến tay bạn, nó cũng phải phù hợp với cuộc sống của bạn.

Cần phải nói thêm, nỗi buồn của Martin Scorsese, về việc trải nghiệm điện ảnh bị xuống cấp, thực ra lại là hệ quả từ mong muốn của khán giả. Họ muốn xem phim một cách thoải mái tại nhà, thông qua những nền tảng như Blockbuster, Netflix hay Turner Classic Movies. Một điểm đáng chú ý nữa, đó là nhà đầu tư cho The Irishman, tác phẩm mới nhất của Martin Scorsese, thực ra lại chính là Netflix. Dù không thể hiện rõ ràng, nhưng suy cho cùng, khán giả vẫn muốn phim đến với họ hơn.

Tuy nhiên, truyền hình – một phương thức với đầy rẫy các cliffhangers và cú ngoặt rẻ tiền, vẫn chỉ để phục vụ những người dễ bị xao nhãng. Ngay từ đầu, nó đã rất có ích với nền kinh tế sức chú ý, và bây giờ, nó chui rúc trong mọi lựa chọn của khán giả, trong trải nghiệm màn ảnh dễ dãi nhất hiện nay. Như Friends, The Office, và The Big Bang Theory, đây đều là những phim sitcom cổ điển, nhưng vẫn sống rất khỏe trên các nền tảng phát sóng “hình thức giải trí toàn cầu thông qua hình ảnh và âm thanh”, bởi những phim này là bậc thầy trong việc thu hút sự quan tâm của những “thượng đế trên mây”. Chúng dễ đoán, dễ xem, và cực kỳ buồn cười. Những chương trình như thế này không cố gắng lật ngược nhân sinh quan của khán giả, không đả kích bất cứ ai, và cũng chẳng truyền tải điều gì mới mẻ.

Đương nhiên, để đạt tới thành công vang dội trong hơn 20 năm qua, truyền hình không chỉ cung cấp những show sitcom nhẹ nhàng. Như The Wire, Mad Men, BoJack Horseman, Broad City, Rectify hay Fresh Off the Boat chẳng hạn. Những phim này nói về hệ thống công lý – tội ác, tái định hình lịch sử, thậm chí bẻ ngoặt những cuộc tranh luận về quyền chuyển giới. Không ít câu chuyện trên TV cũng biết thao túng thời gian, lừa dối thần chết, và thách thức luôn cả quỷ dữ. Tuy nhiên, những show như thế thường được sản xuất bởi các gương mặt “cộm cán” trong làng phim thế giới. Nói cách khác, sự bành trướng của truyền hình kể từ kỷ nguyên của Friends, đã biến TV trở thành “chốn ẩn náu nghệ thuật” của những đạo diễn như Steven Soderbergh (Theo lời của cây viết Adam Sternberg thuộc ờ New York Times)

Từ đó, thập kỷ vừa qua đã trở thành một sân chơi rộng mở cho những tài năng trong giới làm phim, thậm chí còn ươm mầm cho những thế hệ nối tiếp. Ở chiều hướng tương tự, những mỏ nội dung có thể sẽ tạo điều kiện để nhà sản xuất thử nghiệm xem đâu mới là thứ phù hợp trên nền tảng của họ.

Nhưng, mạo hiểm vẫn là thứ gì đó thật xa xỉ, nhất là khi đặt vào bối cảnh các nền tảng chiếu phim dí nhau từng tí một, còn cuộc chiến tại phòng vé cũng chưa bao giờ hạ nhiệt. Trước động thái ra mắt của Disney+, Netflix đã khai tử rất nhiều show truyền hình phiêu lưu hấp dẫn, dễ xem như One Day at a Time, Tuca & Bertie, Chambers hay The OA, dù lợi nhuận mà các phim trên đem lại không thua gì The Office cả. Cần biết, Netflix đã gây dựng thương hiệu nhờ việc giải cứu những show truyền hình được khán giả yêu thích, nhưng lại bị nhà đài ruồng bỏ. Như vậy, có thể thấy người ta vẫn sẵn sàng bỏ tiền cho những sản phẩm thực sự chất lượng – những sản phẩm có chất của Martin Scorsese, đầy sáng tạo, nhưng cũng không ít rủi ro. Một mặt, chiến lược của những tập đoàn khủng trong cuộc chơi stream, đó là số lượng, thế nên các xưởng phim sẵn sàng bật đèn xanh cho bất cứ ý tưởng nào. Tuy nhiên, nếu các ông lớn đó đã xông vào đánh nhau, thì mạo hiểm cũng dần biến mất.

Xem thêm  Bóng đá Việt Nam tại Sea Games 30: Thành công sau 60 năm chờ đợi

Điều này đặc biệt đúng với Disney+, một dịch vụ đối lập với Netflix, khi chỉ tung ra những sản phẩm gắn mác “PG-13, thậm chí còn nhẹ nhàng hơn”. Disney nhảy vào địa hạt kỹ thuật số, khi đã nắm trong tay 2 chuỗi phim vô cùng ăn khách, cùng với đó là rất nhiều tác phẩm hoạt hình kinh điển đã làm nên tên tuổi của hãng, đồng thời định hình cho thể loại này. Tận dụng những lợi thế đó, Disney đã quảng bá những nội dung “thần kỳ” thông qua những công viên, du thuyền, tuần trăng mật, và thậm chí là cả một khu vực luôn. Nhà chuột sẽ đi với bạn đến hết đời, nếu đó là điều bạn muốn.

Trên trang American Prospect, tay viết David Dayen cho rằng Disney+ sẽ đưa công ty mẹ lên một tầm cao mới đối với những nhà sản xuất, đoàn làm phim; đồng thời tạo điều kiện cho nhà chuột triệt tiêu khoản dư thừa hậu bán hàng có nguy cơ ảnh hưởng tới lợi nhuận. Bên cạnh đó, chính Disney+ cũng sẽ củng cố vị thế của Disney trong mắt khán giả. Trước đây, đầu ra của Disney chỉ được phát hành ngoài rạp chiếu và trên TV. Nhưng bây giờ, họ có thêm cả nền tảng trực tuyến mang tên Disney+. Do đó, Nhà chuột không chỉ tung ra những đầu nội dung mới, mà còn tạo ra một môi trường phát hành mang tính đột phá. Đó là sân nhà của họ, là nơi mà luật của Disney lên ngôi.

Và tác động đến khán giả

Nhưng, vấn đề ở đây là: Đến bao giờ chúng ta mới được thưởng thức hết các dạng nội dung này? 10,000 giờ sản phẩm sẽ phù hợp với đời sống của chúng ta như thế nào đây?

Câu trả lời là không có đâu, nói thế cho vuông.

Điều tuyệt vời, và cũng là tồi tệ của TV, là nó sẽ chiếm hết thời gian của bạn. Xem truyền hình một cách bài bản đã phân tách cuộc sống của tôi thành những phần đậm chất TV. Những ngày đi qua được đong đếm bằng những tập phim đã xem, còn tuần thì được đếm bằng từng mùa phim đã cày hết. Thế là, công thức này đã chiếm trọn khoảng thời gian cho sách, cho podcast, cho cái hiện tượng mà tôi xin phép được gọi là “đối thoại giữa người với người”. Thế mà bây giờ, lượng nội dung còn tràn trề hơn trước nữa, nói ngắn gọn, những tập đoàn lớn vẫn ấp ủ dự định sản xuất thêm những chương trình mới.

Nhưng, cũng có lúc chúng ta không nên xem TV chứ? Không chỉ là lúc đang lái xe và làm việc đâu, người ta lo nghĩ về nó nhiều rồi. Điều tôi muốn nói, là chúng ta vẫn có cuộc đời của mình, có những cuộc tán gẫu cùng bạn bè, và còn phải hòa nhập với cộng đồng nữa mà?

Như vậy, chiến lược tăng cường số lượng nội dung trên các nền tảng trực tuyến sẽ làm hai điều: Nó cổ động những nhà sản xuất “đẻ” ra các đầu nội dung đại trà, và sẽ cổ động khán giả xem phim xuề xòa hơn, hời hợt hơn, và đương nhiên là vội vàng hơn. Hồi trước, tôi sẽ xem đi xem lại một show truyền hình đến khi nào nó hằn sâu trong tâm trí. Còn bây giờ, Netflix đã cho phép người dùng xem phim với tốc độ nhanh gấp 1.5 lần, đến mức bạn chỉ cần nắm bắt được thông tin là đủ.

Đối với chiến lược nội dung, số lượng không phải là để tiêu tốn thời gian cho hiệu quả. Nó là lấp đầy khoảng trống bằng thứ gì đó, nó chính là chiếm hữu thời gian. Số lượng, chỉ đơn giản là cung cấp cho người ta thứ gì đó đủ để giải khuây, lôi kéo ta bấm vào nút chiếu phát mà thôi.

Disjointed – Một trong những show bị đánh giá thấp nhất trên Netflix

Trong cuốn sách “Làm Thế Nào Để Không Làm Gì”, tác giả Jenny Odell cho rằng sự phân tâm, sự nản chí và tính cảm xúc thực chất lại là một phần trong mục đích cốt lõi của các dịch vụ này, đó là nó kịch động chúng ta, khiến chúng ta bị thu hút và liên tục đăng bài, từ đó tăng lợi nhuận cho các tập đoàn truyền thông.

Cơn bão nội dung, theo một cách nào đó, cũng chỉ là một sự phân tán mà thôi. Đúng là tôi có yêu thích những nội dung đại trà, dễ xem, đặc biệt là khi chúng đã làm nên tuổi thơ tôi. Tuy nhiên, chính cái “số lượng” đã bão hòa những đầu nội dung chất lượng, đáng xem, với những thứ đơn giản chỉ là tốn thời gian; từ đó biến chúng ta trở thành một tệp khán giả nông cạn, mê muội, không còn muốn cải thiện gu thưởng thức nữa. Nhưng ít nhất, cơn bão này cũng mang tới cho người ta một viễn cảnh “rất” hứa hẹn; đó là:

Bạn sẽ không bao giờ phải chán nữa.

Theo Vanity Fair

Các quan điểm và ý kiến ​​được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và KHÔNG ĐƯỢC XEM LÀ LỜI KHUYÊN ĐẦU TƯ. Đầu tư vào hoặc giao dịch tiền điện tử đi kèm với rủi ro mất mát tài chính. Theo dõi Ragus để được cập nhật thông tin nhanh chóng. Fanpage Group Telegram Twitter Youtube

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *